Nghị quyết 68 và bước đột phá tư duy phát triển kinh tế tư nhân
Ngày 4/5, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Với tầm nhìn mới “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, Nghị quyết 68 đem lại bước đột phá mạnh mẽ về tư duy phát triển kinh tế tư nhân.
|
Nhìn lại thực tiễn gần 40 năm đổi mới, có thể thấy, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận dần dần qua từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Trong Văn kiện Đại hội VI năm 1986, Đảng xác định “Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề”. Đến Văn kiện Đại hội VII năm 1991, kinh tế tư bản tư nhân “được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”.
Văn kiện Đại hội VIII năm 1996 đánh giá cao hơn khi nêu “Kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”. Văn kiện Đại hội IX năm 2001, Đảng chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân “rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”.
Văn kiện Đại hội X năm 2006 nhấn mạnh: “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”.
Văn kiện Đại hội XI năm 2011 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Các văn kiện Đại hội XII năm 2016 và Đại hội XIII năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững”.
Từ quan điểm này cho thấy đây là một bước phát triển vượt bậc về mặt nhận thức và tư duy đối với phát triển kinh tế tư nhân, từ “một động lực quan trọng” đến “một động lực quan trọng nhất”.
Đảng, Nhà nước không chỉ ghi nhận những đóng góp ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân cho nền kinh tế mà còn có nhiều chủ trương, chính sách tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
Từ đó, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh. Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
|
Ở tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Khu vực kinh tế tư nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hơn 4.300 doanh nghiệp và hàng nghìn hộ kinh doanh ngày càng có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; tích lũy đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Một trong những rào cản lớn nhất, theo Nghị quyết 68 đó là “Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập”.
Vì vậy, tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị yêu cầu: “Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước”.
Một khi nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân được xóa bỏ triệt để, thì những “điểm nghẽn” kìm hãm kinh tế tư nhân phát triển, bao gồm thể chế, chính sách và phân bổ nguồn lực- nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước- sẽ được khơi thông.
Từ đó tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, để kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với tỉnh Kon Tum, để hoàn thành mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 48,2%; đến năm 2030 khoảng 62% (theo Kế hoạch số 1274/KH-UBND ngày 4/5/2023 của UBND tỉnh), cần tiếp tục đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển địa phương; không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực theo quy định của pháp luật. Như về thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Tạo điều kiện thông thoáng trong tiếp cận ba trụ cột quan trọng là đất đai, vốn và công nghệ.
Sông Côn