“Nâng sao” cho sản phẩm OCOP
Nhận lời chúc mừng sau khi có 5 sản phẩm đạt công nhận đạt hạng 4 sao (đợt 2 năm 2024), anh Đặng Xuân Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum chia sẻ “vừa vui vừa lo”.
Hạng sao OCOP được coi là thước đo về chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Hùng cho biết rất tự hào và vinh hạnh khi tiếp tục có 5 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao trong đợt này, gồm Yến chưng Kon Tum, Nước Yến sâm Kon Tum, Yến đông trùng Kon Tum, Yến chưng ăn kiêng Kon Tum và Yến tinh chế.
Nhưng chúng tôi xác định cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc “nâng sao” cho các sản phẩm OCOP. Đây là một hành trình đầy khó khăn. Tôi “vừa mừng vừa lo” là vì vậy- anh Hùng chia sẻ.
Có thể khẳng định, những năm gần đây, Chương trình OCOP đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm.
|
Nhà nước phát huy vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: Hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm.
Các ngành liên quan tích cực phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh vào hệ thống tiêu thụ. như tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố.
Các chủ thể đóng vai trò chính trong “sân chơi”, thông qua việc tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Điều đáng mừng là cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm OCOP nào bị thu hồi vì có các vi phạm, như không thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố, sản phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không sản xuất theo đúng chất lượng, mẫu mã đã được chứng nhận OCOP.
Nhưng điều còn trăn trở là, rõ ràng là, điểm yếu cố hữu của các chủ thể OCOP chưa được giải quyết tốt, như nguồn lực về vốn, trang thiết bị và về con người còn hạn chế; mức độ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ dịch vụ đầu vào và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa bền vững.
Không ít chủ thể OCOP “đuối sức” khi phải “tự bơi” để tìm đối tác và thị trường tiêu thụ sản phẩm; sản xuất kinh doanh khó có thể duy trì, thậm chí “biến mất” khi giá cả thị trường biến động xấu.
Đáng nói hơn là, vì nhiều nguyên nhân mà không ít chủ thể chưa thực sự quan tâm đến “nâng sao” cho sản phẩm OCOP của mình, hay có thể nói là chưa mấy “mặn mà” với chuyện này, dù tính ưu việt của việc nâng sao cho sản phẩm đã được minh chứng trong thực tế.
|
Có thể thấy điều đó từ những con số thống kê. Đến nay, toàn tỉnh có 280 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, nhưng trong đó mới có 1 sản phẩm 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao, còn lại 259 sản phẩm 3 sao. Nghĩa là mới dừng lại ở mức trung bình, đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của Chương trình OCOP.
Và trong đợt 2 của năm 2024, chỉ có 8 sản phẩm của 2 chủ thể trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt hạng 4 sao. Trong đó, ngoài 5 sản phẩm của Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum, có 3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Vingin (thành phố Kon Tum).
Lý giải nguyên nhân của việc số lượng sản phẩm nâng hạng còn quá ít, anh Đặng Xuân Hùng cho rằng, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ rất khắt khe.
Trong đó, để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý; liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm.
Những yêu cầu này không dễ thực hiện với các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường.
Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên.
Tìm hiểu tại một số chủ thể OCOP cho thấy, ngoài khắt khe trong tiêu chí đánh giá, còn khó khăn từ nội tại các chủ thể cũng là “rào cản” trong việc thực hiện “nâng sao”, như: Hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ nên việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn.
Trong khi đó, theo quy định mới, thủ tục, hồ sơ đăng ký nâng sao cho sản phẩm khá phức tạp không khác sản phẩm đăng ký xây dựng mới. Vì vậy, dù hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để đầu tư, trở nên “hờ hững” với việc “nâng sao” cho sản phẩm OCOP.
Có thể thấy rằng, một sản phẩm OCOP muốn có chỗ đứng, phát triển bền vững trên thị trường, trước hết phải đáp ứng giá trị cốt lõi là chất lượng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, chứng nhận OCOP không phải một “kim bài” bảo chứng lâu dài. Mà cần không ngừng cố gắng duy trì, hoàn thiện các tiêu chí để ngày càng nâng cao chất lượng.
Và hơn thế, cần có khát vọng chinh phục các mục tiêu cao hơn, trong đó có “nâng sao” cho sản phẩm.
Mà đây là một hành trình đòi hỏi “sức khỏe”, sự bền bỉ, nỗ lực và quyết tâm của chủ thể, cũng như sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ dài hơi của chính quyền, ngành chức năng.
Hồng Lam