Lối thoát nào cho hợp tác xã? - Kì 1: Nơi hiệu quả, nơi cầm chừng
Kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển. Nhiều chính sách hỗ trợ giúp các hợp tác xã đã được ban hành nên kinh tế hợp tác đã có sự phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hợp tác vẫn chưa đáp ứng được như những kỳ vọng.
Tỉnh ta hiện có 258 hợp tác xã (HTX) hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Bên cạnh nhiều HTX “ăn nên làm ra”, nâng cao thu nhập cho xã viên thì cũng còn nhiều HTX thua lỗ, hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả. Đáng nói, nhiều HTX vẫn loay hoay chưa tìm được giải pháp phù hợp cho sự phát triển, do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ, tiếp sức từ nhiều phía để HTX vươn lên xứng tầm với kỳ vọng.
HTX nâng tầm cho sản phẩm nông nghiệp
Trong tổng số 258 HTX có đến 179 HTX (với 2.975 thành viên) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với doanh thu bình quân khoảng 1.035 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Điều đáng mừng là có trên 60% số HTX nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả góp phần nâng tầm cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho người dân. Một số HTX đã có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang lại giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
|
Tại huyện Tu Mơ Rông, đến nay, trên địa bàn huyện có 31 HTX với 643 thành viên, thì đa số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp này hoạt động khá hiệu quả, mang lại giá trị và nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng) thành lập 3 năm nay, có 33 xã viên. Chị Y Pot (Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc HTX) chia sẻ, với mong muốn giúp chị em thoát nghèo nên chị đã thành lập HTX chuyên trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm từ sâm dây.
“Sản phẩm của HTX xuất bán đi nhiều tỉnh thành. Nguồn thu từ sâm dây của chị em xã viên tăng gấp 3 so với thời gian chưa tham gia HTX. Ngoài tiền công trả khi vào làm, tiền lãi thu được, chị em tiếp tục góp vốn đầu tư. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với doanh nghiệp lớn ở các tỉnh thành. Họ sẽ hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, khi đó chị em sẽ có nguồn thu lớn hơn. Tôi sẽ tiếp tục mời gọi chị em tham gia vào HTX để tăng thu nhập”- chị Y Pot chia sẻ.
Hay như Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông), đến nay, đã có 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Chị Cù Thị Hồng Nhung (38 tuổi) - quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành cho biết: Hiện nay, HTX chúng tôi đã mở cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP tại 2 huyện Đăk Tô và Đăk Hà. Sản phẩm của HTX hiện đang dần mở rộng đến thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra một số tỉnh thành trong cả nước.
Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nhìn chung, các HTX trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương, phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất. Một số HTX nông nghiệp có sản phẩm cung cấp để xuất khẩu. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trong trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái cộng đồng. Số lượng sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP tăng. Đơn cử, như năm 2022, có 3 HTX và 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mô hình HTX đã tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, đời sống của thành viên được tăng lên.
Không chỉ một số HTX ở Tu Mơ Rông một số mô hình phát triển hiệu quả khác có thể kể đến như Mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau hữu cơ của HTX Thanh niên Măng Đen với thu nhập bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/ha/năm; HTX Nông nghiệp Đăk Tơ Lung Xanh với mô hình trồng cây ăn quả, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch với doanh thu bình quân năm 2021 đạt 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 220 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, một số HTX hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho người dân như HTX Nuôi trồng Nấm đông trùng hạ thảo (thành phố Kon Tum); HTX Sản xuất và dịch vụ thương mại Sáu Nhung, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar, HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Cô...
|
Còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng
Bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì vẫn còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng. Một số HTX chỉ có trên danh nghĩa, bởi thực tế, vốn điều lệ của HTX chủ yếu do 2 đến 4 thành viên góp vốn, các thành viên còn lại đóng góp công sức hoặc tài sản, chỉ do một thành viên góp vốn quản lý. Thậm chí, nhiều HTX đã ngừng hoạt động nhưng vẫn được các đơn vị đưa vào báo cáo.
Theo báo cáo của các đơn vị, toàn tỉnh chỉ có 15 HTX ngưng hoạt động nhưng thực tế qua kiểm tra 5 huyện, thành phố đã có đến 29 HTX ngừng hoạt động (Báo cáo của Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh-tháng 8, 9/2022). Đơn cử như huyện Đăk Tô báo cáo có 3 HTX ngừng hoạt động nhưng thực tế giám sát thì có 6 HTX; huyện Sa Thầy báo cáo có 3 HTX ngừng hoạt động nhưng thực tế giám sát có 5 HTX. Còn thành phố Kon Tum báo cáo có 2 HTX dừng hoạt động, nhưng thực tế giám sát có 16 HTX ngừng hoạt động như HTX Tấn Thanh (phường Quang Trung), HTX đồng hành nhà nông Hoàng Bách (xã Hòa Bình), HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Thành Công, HTX Phát triển nông nghiệp Việt Lào.
Thậm chí, còn có không ít HTX hoạt động “trên giấy” hoặc được thành lập để hoạt động phi pháp. Minh chứng là tháng 3/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã tiến hành khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Ngọc Diễn (50 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ông Phạm Ngọc Diễn đã đưa ra nhiều thông tin, tài liệu gian dối như tư cách pháp nhân của Liên hiệp Hợp tác xã để huy động vốn từ các cá nhân và lập biên bản đại hội đồng cổ đông. Được biết, ông này còn huy động, góp vốn thành lập 5 HTX khác nhưng chủ yếu là hoạt động “trên giấy”, không đúng theo quy định của pháp luật.
(còn nữa)
Phúc Nguyên