Hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh “ế ẩm”
Được đầu tư nhiều tỷ đồng, với loạt thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, chưa kể chi phí đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật, nhưng đến nay, cả hai hệ thống vẫn chưa phát huy tác dụng vì… không có khách hàng.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII (diễn ra vào tháng 12/2021), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ vật tư hóa chất với mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng để phân tích ADN sâm Ngọc Linh (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ- đơn vị được giao nhiệm vụ trên, tháng 12/2021- UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBND phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (trực thuộc Sở KH&CN) với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thiết bị là hơn 8,3 tỷ đồng.
|
Báo cáo số 589 ngày 6/7/2023 của Sở KH&CN cho biết, đến ngày 28/2/2023, đơn vị đã hoàn thành các khâu đầu tư, mua sắm trang thiết bị của hai hệ thống, gồm Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN (có 25 thiết bị chủ yếu) và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh (với 11 thiết bị chủ yếu).
Hiện nay, cả hai hệ thống này đã được bàn giao choTrung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (Trung tâm) quản lý, vận hành - đại diện Sở KH&CN cho biết.
Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo 4 cán bộ về vận hành thiết bị; chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, Trung tâm phối hợp với hai doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, được công nhận vườn sâm gốc, là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để lấy mẫu sâm để phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn, làm cơ sở phân biệt với các loại sâm khác.
Cũng theo đại diện Sở KH&CN, đến nay, hệ thống máy móc, thiết bị đã được trang bị đầy đủ; các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm làm chủ được 2 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật-giả.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là, cả hai hệ thống đang trong tình trạng “ế ẩm” vì không có khách hàng.
|
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, mới diễn ra đầu tháng 7/2023, lãnh đạo Sở KH&CN thừa nhận rằng, đến nay chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, hay gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh.
Chưa có đánh giá cụ thể về nguyên nhân vì sao hai hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh đắt đỏ lại ế ẩm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nhiều tổ chức, cá nhân chưa biết (hoặc không biết) thông tin tại tỉnh đã có đơn vị được trang bị hệ thống máy móc và làm chủ quy trình phân tích, xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật-giả.
Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cần tổ chức thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết ở tỉnh đã trang bị máy móc, thiết bị và làm chủ quy trình kỹ thuật; đủ năng lực và điều kiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm định để xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả cho mọi đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng biểu phí, giá dịch vụ và quy trình kiểm định, xét nghiệm đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ nhân lực của Trung tâm bảo đảm vận hành thuần thục trang thiết bị đã được đầu tư, đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Phấn đấu đưa Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín cao trong việc kiểm định giám định, phân biệt sâm thật, sâm giả của cả nước.
Các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, sâm Ngọc Linh củ và kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo sâm Ngọc Linh Kon Tum phải niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thông tin công khai về sai phạm của các tổ chức, cá nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo đến người tiêu dùng, quyết tâm bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất.
Hồng Lam