Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện kêu cứu vì không được huy động tối đa công suất
Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum vừa có đơn tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng Công ty Điện lực miền Trung kiến nghị xin được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép nhằm tránh gây lãng phí tài nguyên nước.
Theo các doanh nghiệp này, từ tháng 3/2023 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực. Các doanh nghiệp cho rằng, việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện.
Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế và đã có một số nhà máy phát vượt quá công suất đã bị PC Kon Tum “tuýt còi”, ngừng huy động công suất phát điện, gây thiệt hại về kinh tế. Sau khi các đơn vị này có giải trình và cam kết vận hành đúng hợp đồng mới cho vận hành trở lại.
|
Các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân của việc phát vượt công suất là các nhà máy phát điện theo công suất thiết kế tối đa nhưng do lưu lượng nước về đột ngột dẫn đến công suất tua bin cao hơn công suất thiết kế. Đây là nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết.
Theo các chủ đầu tư, lòng hồ của các dự án thủy điện nhỏ không chứa được nhiều nước nên khi có mưa là thường xuyên bị tràn xả thừa vào giờ cao điểm và thấp điểm. Điều này gây lãng phí tài nguyên phát điện, làm mất nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đây cũng là nguồn điện ổn định, giá rẻ nhất cho điện lưới quốc gia, cũng là nguồn điện đưa lên lưới điện nhanh nhất.
Trong khi đó, theo Điều 79, Thông tư 40/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng nếu không xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép, nhất là trong tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay.
|
Theo ông Nguyễn Quang Hùng- Phó Giám đốc PC Kon Tum, Điện lực Kon Tum chỉ có trách nhiệm giám sát các nhà máy thủy điện thực hiện theo hợp đồng với EVN CPC. Nếu đơn vị nào vi phạm phát công suất thì cảnh báo, nếu tiếp tục phát vượt thì sẽ ngừng huy động công suất điện theo quy định. Còn các vấn đề khác là do EVN CPC quyết định.
Được biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của tập thể các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị xem xét, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc theo đề nghị của 10 chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum.
Theo đó, EVN CPC đề nghị: Trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được được phát tối đa công suất theo thiết kế và nguồn nước cho phép.
Phúc Nguyên