Gạch xây dựng khan hiếm, giá tăng cao
Sau Tết Nguyên đán, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 Âm lịch là thời điểm người dân “mở móng” xây dựng nhà nhiều. Chính vì thế, thời gian gần đây nhu cầu gạch xây dựng trên thị trường tăng mạnh, “cung không đủ cầu” nên giá gạch tăng cao kỷ lục. Không ít nhà cửa đang xây dựng dở dang đành phải tạm dừng, vì không có gạch để tiếp tục thi công.
Do thời điểm hiện nay đang là “mùa xây dựng” nên giá của các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều tăng, gây nhiều khó khăn cho hoạt đông xây dựng, cả với chủ đầu tư, người nhận thầu và người dân. Đôi khi người dân có tiền nhưng vẫn khó khăn trong tìm mua vật liệu xây dựng, nhất là gạch.
Việc khan hiếm gạch xây dựng đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình xây dựng, trong khi mùa mưa đang đến gần, khiến không ít nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư, người dân có công trình đang xây dựng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều công trình buộc phải “đội vốn” đầu tư lên cao hơn so với dự toán ban đầu; thậm chí có công trình tạm thời dừng thi công, vì thiếu vật liệu xây dựng.
|
Ông Trần Thanh Dũng ở xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) đang “thay áo mới” cho ngôi nhà của mình cho biết: Năm vừa qua nhờ giá sầu riêng và cà phê tăng cao nên gia đình tôi thu nhập được kha khá. Thấy căn nhà của mình sau nhiều năm xây dựng đã xuống cấp, nên gia đình tôi quyết định đập phá bỏ để xây ngôi nhà mới khang trang hơn. Dự kiến chi phí xây dựng ban đầu chỉ 500- 600 triệu đồng, nhưng sau khi “mở móng” giá cả vật liệu xây dựng và công thợ đều tăng, nên nhiều khả năng công trình sẽ “đội vốn” lên trên 700 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là, trong 2 ngày nay thợ phải nghỉ việc, công trình tạm thời dừng thi công, do gia đình tôi chưa mua được gạch để xây tiếp. Chính vì thế, không những công trình bị chậm tiến độ mà chi phí phát sinh thêm ngoài dự kiến ban đầu của gia đình.
Tương tự, anh Bùi Văn Thành ở xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) cho biết: Sau nhiều năm lao động vất vả dành dụm, cuối tháng 2 tôi khởi công xây dựng nhà, nhưng đến nay, khi công trình chỉ mới xây dựng được một thời gan ngắn thì đã hết gạch. Mặc dù tôi đã nhiều lần gọi điện thoại cho đại lý cung cấp vật liệu xây dựng nhằm thúc giục họ nhanh chóng cung cấp gạch để đảm bảo tiến độ xây dựng, họ “hẹn lần hẹn lữa” với tôi, nhưng 2 hôm rồi mà vẫn chưa thấy đại lý cung cấp vật liệu cho xe chở gạch đến.
“Năm nay, giá cả các loại mặt hàng vật liệu xây dựng hầu hết tăng cao hơn so với những năm trước từ 20 - 40%. Có những mặt hàng vật liệu dù tăng giá, nhưng có tiền vẫn mua được. Ngược lại, một số mặt hàng vật liệu vừa tăng giá, vừa khan hiếm; như gạch xây dựng chẳng hạn, người dân có tiền cũng chưa chắc mua được. Trước khi gia đình tôi thuê thợ đến đào móng để xây nhà với diện tích 80m2, hỏi đại lý cung cấp vật liệu xây dựng báo giá gạch xây khoảng 1.850 đồng/viên, nhưng khi mở móng xây đến nay chưa được 10 ngày thì giá gạch giờ lên đến 2.100 đồng mỗi viên mà cũng không đủ gạch để xây. Không chỉ riêng gì gạch mà cát, đá, sắt, thép giá mặt hàng nào cũng đều tăng”- anh Bùi Văn Thành cho biết thêm.
|
Từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch là thời điểm các công trình xây dựng khởi công nhiều nhất trong năm, bởi ngoài yếu tố đầu năm “ngày dài tháng rộng”, lại thêm thời tiết Kon Tum đang ở mùa khô là điều kiện lý tưởng giúp việc xây dựng thuận lợi hơn. Vì vậy, thời điểm này, thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại gạch xây bắt đầu “nóng lên”, liên tục “khan hàng”, điều này không những khiến người dân xây nhà lao đao mà các đại lý cung cấp gạch cũng bị ảnh hưởng theo.
Anh Nguyễn Tiến Luật- chủ vật liệu xây dựng Tiến Luật ở thị trấn Sa Thầy cho biết: Từ đầu năm đến nay, các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch, cát sỏi, xi măng tăng giá liên tục so với những năm trước. Riêng gạch xây thì tăng khoảng 500 đồng/viên, nhưng điều đáng nói là các cơ sở vật liệu cũng không đủ gạch để cung cấp. Có nhiều khi chúng tôi đưa xe xuống nhà máy từ lúc 3 - 4 giờ sáng, nhưng phải đợi đến qua ngày hôm sau mới có đủ một xe gạch khoảng “5 thiên” (5.000 viên gạch) để giao cho khách hàng. Giá vật liệu tăng nên nhiều hộ gia đình đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngừng thi công công trình để chờ hạ giá. Hoặc có hộ gia đình phải cắt giảm diện tích xây dựng, giảm bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh nên chất lượng, thẩm mỹ công trình chắc chắn sẽ giảm đi, điều này khiến cho lượng vật liệu bán ra của các đại lý cũng bị ảnh hưởng.
“Năm 2024 người dân được mùa và được giá nhiều mặt hàng nông sản, bên cạnh đó các địa phương đẩy mạnh Phong trào “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” nên thị trường xây dựng sau Tết Nguyên đán 2025 tăng mạnh khiến cho các lò gạch đẩy giá lên cao nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu. Giá vật liệu xây dựng tăng cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu nên không ít hộ gia đình sau khi xây nhà xong nợ tiền vật liệu không có khả năng thanh toán, khiến cho đại lý cung cấp vật liệu phải lao đao theo”- anh Luật lý giải nguyên nhân vật liệu xây dựng (nhất là gạch xây dựng) tăng giá trong thời gian qua.
Tình trạng khan hiếm, giá vật liệu xây dựng tăng đang trở thành một thách thức lớn đối với các chủ đầu tư, người dân và các cửa hàng vật liệu xây dựng; điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Đắc Vinh