Đưa sản phẩm làng vươn xa
Những năm gần đây, các sản phẩm đặc trưng của quê hương như rượu ghè nếp than, thịt heo gác bếp được phụ nữ DTTS trong tỉnh đưa lên quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh mới, nâng cao thu nhập và tạo nền tảng phát triển bền vững, mà còn góp phần bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc.
Những ngày cuối năm, khi không khí chuẩn bị tết dường như len lỏi vào từng ngóc ngách, tôi tìm đến thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, nơi có Tổ hợp tác sản xuất rượu nếp than do chị Y Hoa dẫn dắt.
Lần đầu tiên tôi biết đến rượu ghè nếp than của chị Y Hoa- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rượu nếp than thôn Kon Jong, là qua một bài đăng giản dị trên Facebook. Bài viết của tài khoản mang tên "Hoa Hồng Bungary" giới thiệu sản phẩm "Rượu ghè nếp than - men lá". Sự nhiệt tình và những lời khen từ người mua đã khiến tôi không thể bỏ qua mà đặt mua.
Chị Y Hoa bắt đầu kinh doanh rượu nếp than cách đây hơn bốn năm, ban đầu với vài ghè rượu bán cho người quen trong vùng. Khi ấy, không ai nghĩ rằng những sản phẩm truyền thống này có thể giúp gia đình chị cải thiện đời sống. Chị Y Hoa chia sẻ: Ban đầu, mọi người còn hoài nghi, nhưng rồi họ thấy rượu của mình được đón nhận, ai cũng hào hứng muốn tham gia.
|
Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào năm 2022 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong hành trình của chị Y Hoa. Dự án “Rượu ghè nếp than - men lá” của chị đạt giải Khuyến khích, và đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Sau cuộc thi, Hội LHPN xã Ngọc Réo đã chính thức thành lập Tổ hợp tác sản xuất rượu nếp than thôn Kon Jong với mục tiêu tạo việc làm và gìn giữ nghề truyền thống.
Theo chị Y Hoa, hoạt động của tổ hợp tác ngày càng sôi nổi với số lượng đơn hàng tăng lên nhanh chóng. Trung bình mỗi tháng, chị bán từ 10-13 ghè rượu, nhưng vào tháng có dịp lễ, tết, số lượng này tăng lên 30-40 ghè. Những năm gần đây, chị Y Hoa quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận với nhiều khác hàng hơn.
Một dấu ấn khác là sự kiện đoàn công tác của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đến thôn Kon Jong để thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng của người Xơ Đăng”. Tại đây, Hội LHPN tỉnh đã giới thiệu sản phẩm “Rượu ghè nếp than - men lá” của tổ hợp tác. Nhờ có sự kết nối ấy, sản phẩm của tổ hợp tác được nhiều người biết hơn. Nhiều khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ qua trang Facebook để đặt hàng cho dịp tết. Hiện tổng số đơn đặt hàng đã hơn 300 ghè rượu.
Để mở rộng tầm nhìn về phát triển sản phẩm địa phương, tôi tiếp tục đến xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, nơi có Hợp tác xã (HTX) Dục Nông nổi tiếng với các sản phẩm thịt heo gác bếp. Ngoài ra, HTX Dục Nông còn có một số sản phẩm như rượu ghè men lá, cá giã sả ớt và muối tiêu chanh.
HTX Dục Nông được thành lập từ năm 2019, sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã giúp cho các thành viên là phụ nữ DTTS có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Chị Y Trúc - Giám đốc HTX Dục Nông cho biết: Thời gian gần đây, HTX còn khuyến khích các thành viên sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Sự thay đổi tích cực này cũng khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thành viên của HTX. Chị Y Tươi- một thành viên nổi bật của HTX Dục Nông, đã sáng tạo bằng việc sử dụng TikTok để quảng bá sản phẩm. Những đoạn video giản dị nhưng chân thực về quy trình làm thịt heo gác bếp hay cảnh nấu rượu ghè thu hút nhiều lượt xem, mang về lượng khách hàng lớn.
Chị Y Tươi chia sẻ: Trước kia, em không nghĩ mình có thể quay video hay bán hàng qua mạng, nhưng khi bắt đầu thử, em nhận ra sức mạnh của công nghệ. Hiện tại em vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển kênh TikTok để tiếp tục hỗ trợ bán hàng cho HTX.
Sự hỗ trợ không ngừng từ các cấp hội LHPN đã giúp các chị em tự tin hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Chị Y Chon - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, cho biết: Trước đây tôi là người đứng ra vận động các chị em để thành lập nên HTX Dục Nông. Hiện tôi là thành viên của HTX, tôi luôn muốn mọi người thấy rằng sản phẩm không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào văn hóa của dân tộc. Bản thân tôi cũng tự tìm tòi học hỏi về quay phim, chụp ảnh sản phẩm, cách viết bài quảng cáo, để tự tay quảng bá sản phẩm trên trang thông tin của Hội.
HTX Dục Nông đã chứng minh rằng, với sự đoàn kết và sáng tạo, sản phẩm truyền thống có thể vượt qua biên giới thôn làng, tiếp cận thị trường lớn hơn. Hiện nay doanh thu của HTX đạt 800-900 triệu đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Dù đối mặt với không ít thử thách, tinh thần mạnh mẽ của các chị em như chị Y Hoa, Y Trúc, Y Tươi, Y Chon đã và đang tạo ra làn sóng mới trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hy vọng rằng, trong tương lai, những sản phẩm này sẽ vươn xa hơn nữa./.
Y ĐÔ