Đưa công nghệ bay vào sản xuất nông nghiệp
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa đến từng ngõ ngách của đời sống, không chỉ vùng đồng bằng mà ngay cả vùng biên giới xa xôi như xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) cũng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Điều này không đến từ những chương trình đầu tư rầm rộ hay các dự án lớn, mà bắt đầu từ những con người bình dị với khát vọng đổi mới. Một trong những minh chứng rõ nét cho tinh thần ấy là anh Nguyễn Văn Sự (thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) đã tiên phong ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) vào chăm sóc cà phê, cây ăn quả.
|
Tiên phong ứng dụng thiết bị bay không người lái chăm sóc cà phê
Với địa hình đồi dốc đặc trưng của vùng Tây Nguyên, việc phun thuốc bảo vệ thực vật và tưới dưỡng chất cho cây cà phê tại xã Pờ Y là một công việc cực nhọc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước đây, nông dân phải gùi từng bình thuốc nặng trên vai, len lỏi qua từng gốc cà phê để thực hiện công việc phun xịt, không chỉ tốn thời gian, công sức mà còn đối mặt với nguy cơ tiếp xúc hóa chất độc hại. Nhận thấy những hạn chế đó, hơn một tháng trước, anh Nguyễn Văn Sự đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thiết bị bay không người lái để thay đổi cách thức sản xuất.
Ý tưởng tưởng chừng xa lạ với nhiều người dân nông thôn ấy đã nhanh chóng chứng minh hiệu quả vượt trội. Không chỉ là sự cải tiến về kỹ thuật, hành động của anh Sự còn thể hiện rõ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” – phẩm chất tiêu biểu của thanh niên trong thời đại mới. Việc đầu tư thiết bị bay không đơn thuần là mua một công cụ, mà còn là thay đổi tư duy sản xuất hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Sự là minh chứng sống động cho tinh thần dấn thân, đổi mới và trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng quê hương. Trong khi nhiều người trẻ lựa chọn rời quê lên phố, anh Sự chọn ở lại vùng biên, làm giàu cho bản thân, gia đình và hơn thế nữa, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Ở vùng đất có địa hình hiểm trở từng là rào cản lớn đối với sản xuất nông nghiệp, giờ đây lại là nơi khởi đầu cho những đổi mới sáng tạo. Từ một mô hình nhỏ, thành công của anh Sự đang lan tỏa, thắp lên niềm tin về hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, thân thiện và bền vững. Quan trọng hơn cả, câu chuyện đó truyền cảm hứng cho lớp thanh niên hôm nay dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để tạo nên những giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
|
Tiết kiệm, năng suất và thân thiện môi trường
Theo anh Sự, một trong những ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng thiết bị bay không người lái là tiết kiệm chi phí. So với cách phun thủ công, thiết bị bay giúp tiết kiệm tới 50% lượng thuốc nhờ giảm thất thoát do rơi vãi và phun không đều. Nhờ đó, vừa tiết kiệm được chi phí mua thuốc, vừa giảm lượng hóa chất tồn dư trong môi trường đất và nước, góp phần bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp.
Trước đây để phun thuốc cho 1ha cà phê phải mất cả ngày, thì nay với thiết bị bay, công việc này chỉ còn khoảng 30 phút. Thiết bị bay còn có khả năng tiếp cận tốt các tầng tán cây, giúp thuốc phân bổ đều và cây trồng được hấp thu dưỡng chất hiệu quả hơn, từ đó, sinh trưởng khỏe mạnh, giảm sâu bệnh và tăng năng suất.
Bên cạnh đó, một yếu tố đáng chú ý là sự an toàn cho sức khỏe người lao động. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và địa hình hiểm trở, việc mang vác máy móc và tiếp xúc trực tiếp với hóa chất lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người nông dân. Nhờ thiết bị bay, người điều khiển chỉ cần đứng ở khoảng cách an toàn để vận hành thiết bị qua bảng điều khiển, không phải lo lắng về nguy cơ nhiễm độc hay tai nạn lao động.
Không chỉ anh Nguyễn Văn Sự, nhiều hộ nông dân tại xã Pờ Y sau khi trải nghiệm dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay đã không ngần ngại bày tỏ sự hài lòng.
Sau dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, gia đình ông Phạm Văn Vượng (thôn Măng Tôn), bước vào đợt phun thuốc cho 10h cà phê. Không phải tất bật như trước đây, gia đình ông Vượng đã sử dụng dịch vụ thiết bị bay không người lái nên rất nhàn hạ, chưa đến 1 ngày vườn cà phê đã được phun đủ lượng thuốc cần thiết.
Ông Vượng cho biết, trước đây khi chưa có thiết bị bay không người lái, gia đình phải thuê rất nhiều nhân công để phun thuốc, bón phân, tưới nước cho cây cà phê, công việc khá vất vả. Đặc biệt, nhân công lao động phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Chưa kể, mỗi đợt phun thuốc hay bón phân, gia đình mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí mua sắm vật tư. Cụ thể, trung bình 1ha cà phê phải mất ít nhất 2 nhân công làm cật lực trong một ngày mới hoàn thành, lượng phân bón cũng bị hao hụt rất nhiều. Còn hiện tại, việc sử dụng thiết bị bay không người lái mang lại rất nhiều lợi ích, gia đình bớt được nhân công, thời gian và rất nhanh gọn.
“Thiết bị này rất hay, khi phun thuốc, cánh quạt gió làm rung lắc các cây cà phê nên lượng thuốc sẽ được phủ đều hơn và không bị thất thoát, tiết giảm cho gia đình rất nhiều”- ông Vượng nói và cho biết, trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái để mang lại hiệu quả tối đa cho cây trồng.
Cũng vui mừng khi lần đầu tiên sử dụng thiết bị bay để phun thuốc cho 12ha cà phê của gia đình, ông Nguyễn Văn Kiều, thôn Măng Tôn cho biết, sử dụng thiết bị này giúp gia đình giảm được khoảng 1/3 chi phí chăm sóc vườn cà phê.
Ông Kiều chia sẻ: Lúc đầu nghe nói dùng thiết bị bay tôi còn nghi ngờ, nhưng khi thấy thuốc được phun đều, không bị bỏ sót, lại không phải vác máy đi khắp vườn như trước, tôi rất mừng. Đặc biệt là sức khỏe được đảm bảo, không còn mùi thuốc nồng nặc như trước nữa.
Theo tính toán của ông Kiều, trước đây mỗi lần phun thuốc, gia đình phải thuê nhiều nhân công và mua thuốc khoảng 30 triệu đồng. Còn hiện tại, sử dụng thiết bị bay không người lái chi phí hết khoảng 20 triệu đồng. Quan trọng hơn, khi sử dụng thiết bị này, con người không tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, sức khỏe được đảm bảo hơn.
“Trước đây, thuê nhân công lao động không chỉ tốn kém về thời gian, tiền bạc, mà lượng thuốc phun cho cây cà phê cũng chưa được đảm bảo. Trong khi sử dụng thiết bị bay không người lái, lượng thuốc phun cho cây cà phê đều hơn và không bị thất thoát. Đặc biệt, với diện tích cà phê của gia đình tương đối lớn, việc sử dụng thiết bị bay không người lái sẽ rất phù hợp, tiết giảm được rất nhiều chi phí”- ông Kiều chia sẻ.
Công nghệ của tương lai
Những năm gần đây, thiết bị bay không người lái đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc chăm sóc cây trồng. Nắm bắt cơ hội này, anh Nguyễn Văn Sự đã mạnh dạn đầu tư mua thiết bị bay không người lái không chỉ phục vụ cho vườn cà phê của gia đình mà còn cung ứng dịch vụ cho nhiều nông dân khác trên địa bàn.
Sau nhiều lần tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, nhận thấy thiết bị bay không người lái rất hiệu quả cho việc chăm sóc cây cà phê, cao su và các loại cây công nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên, anh Sự cùng một nhóm anh em chung nhau mua thiết bị bay không người lái, trước tiên sử dụng cho gia đình mình nhằm giúp tiết giảm nhân công, chi phí và tránh gây độc hại. Đồng thời, làm dịch vụ để hỗ trợ người dân trong vùng khi có nhu cầu.
Hiện tại, nhóm của anh Sự đang sở hữu 2 thiết bị bay không người lái, trị giá hơn 300 triệu đồng/chiếc. Trong thời gian tới, nhóm anh Sự tiếp tục mua thêm 2 chiếc nữa với mục đích không chỉ phục vụ cho người dân trong vùng mà còn mở rộng sang nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
“Ngay khi đưa máy về, nhiều hộ dân trong vùng đã tìm đến thuê dịch vụ phun thuốc, bón phân cho vườn cây cho gia đình. Chỉ trong vài ngày, thiết bị không người lái của nhóm đã phun thuốc, bón phân cho hàng trăm ha cây cà phê của người dân trên địa bàn”- anh Sự chia sẻ.
Ông Tống Văn Đồng- Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, trong những năm gần đây, cà phê có giá cao nên nhiều hộ dân trên địa bàn đã chú trọng đầu tư chăm sóc, ứng dụng các khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, ứng dụng thiết bị bay không người lái được các hộ dân đầu tư là bước đột phá, mang lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc cà phê.
“Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động các hộ dân có diện tích cà phê đủ lớn hoặc cùng nhau liên kết để đầu tư thiết bị bay không người lái nhằm phục vụ hiệu quả cho việc chăm sóc cà phê. Mặt khác, xã sẽ nghiên cứu triển khai đến nhiều nhóm hộ sử dụng thiết bị không người lái giúp nâng cao chất lượng trồng, chăm sóc cà phê trên địa bàn”- ông Đồng chia sẻ.
Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng các thiết bị thông minh như drone vào sản xuất nông nghiệp không còn là điều xa vời. Việc thanh niên vùng biên như anh Sự chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ đã cho thấy sự thích nghi nhanh nhạy với xu thế thời đại, đồng thời, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, vùng biên giới.
Phúc Nguyên