Để người dân thoát nghèo bền vững nhờ sâm dây
Cùng với “thuốc giấu”sâm Ngọc Linh “Bảo vật Quốc gia”, sâm dây (tức hồng đẳng sâm, đảng sâm) là dược liệu quý của vùng núi Ngọc Linh nói riêng và các địa phương có địa hình, khí hậu đặc thù trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung. Thời gian qua, mặc dù đã từng bước được đầu tư mở rộng diện tích, tạo thành sản phẩm hàng hóa; song để đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thoát nghèo bền vững nhờ sâm dây, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra.
Sâm dây là loại thân thảo, leo dây hoặc mọc bò trên mặt đất ở vùng núi có độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt nước biển thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei của tỉnh Kon Tum.
Với tác dụng làm thuốc, sâm dây được di thực từ môi trường tự nhiên về trồng trên diện tích đất đồi, đất rẫy, vườn để lấy củ làm sản phẩm hàng hóa. Sâm dây được xác định là một trong số cây dược liệu chủ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương giảm nghèo.
Trở về những năm khởi đầu đưa sâm dây thành cây hàng hóa, Thạc sĩ Chu Đình Liệu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học - công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Giai đoạn 2010 -2015, Trung tâm đã được Sở Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ triển khai đề tài nghiên cứu các phương pháp nhân giống cây sâm dây và dự án xây dựng mô hình trồng cây sâm dây tại địa bàn ba huyện (Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei). Kết quả đề tài và thành công của mô hình là cơ sở để bà con mạnh dạn nhân giống bằng hạt và mở rộng địa bàn, diện tích trồng sâm dây mang lại hiệu quả kinh tế.
|
Gắn yêu cầu công tác hội và phong trào phụ nữ với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đi đầu tổ chức triển khai mô hình tổ phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây.
Cùng với các tổ liên kết thu hút trên 100 chị em tham gia từ những năm 2013 - 2014 tại xã Tê Xăng, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), năm 2017, đã có thêm các mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ triển khai tại thôn Mô Po, Làng Mới xã Mường Hoong và Tân Rát, Kon Tua xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei).
Chị Y Liên được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật đã trồng 2 sào sâm dây tại thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn đưa vườn cây thành mô hình giúp chị em học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng. Từ 7ha được hỗ trợ trồng mới ban đầu, chị em hiện đã mở rộng diện tích sâm dây lên trên 13,5ha.
Theo bà Y Nghệ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, trước đây, sâm dây được trồng rải rác với diện tích nhỏ hẹp trên địa bàn xã, tuy vậy, theo định hướng phát triển các loại cây dược liệu, xã đã chỉ đạo 4 thôn, mỗi thôn chủ động triển khai trồng, chăm sóc 2ha sâm dây, làm cơ sở rút kinh nghiệm nhân rộng trong thời gian tới.
“Ban đầu triển khai còn không ít bỡ ngỡ, song được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể của hội và cơ quan chuyên môn cùng nỗ lực vừa học vừa làm của chị em, đến nay, các tổ liên kết phụ nữ trồng sâm dây đều ổn định nề nếp hoạt động, phát huy hiệu quả tập hợp, thu hút chị em vào một trong số loại hình khởi nghiệp mới nhiều triển vọng. Sâm dây cho thu hoạch góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo và ổn định sản xuất, đời sống gia đình chị em” - bà Trần Thị Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh ghi nhận.
Nhờ nguồn vốn Chương trình 30a và 135, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng một số mô hình và hỗ trợ bà con nông dân cây giống dược liệu để trồng.
Tại Tu Mơ Rông, Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông, lâm nghiệp huyện hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trồng sâm dây tại xã Măng Ri với tổng diện tích 3,6ha, 60 hộ tham gia đạt kết quả. Năm 2017, huyện đầu tư xây dựng 4 mô hình trình diễn trồng cây dược liệu, trong đó có sâm dây nhằm khuyến cáo nhân rộng, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, bền vững. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, bước đầu, toàn huyện đã trồng được trên 12ha sâm dây, phấn đấu mở rộng diện tích loại cây dược liệu này lên 250ha trong những năm tới.
Được xác định là một trong ba vùng trọng điểm cây dược liệu của tỉnh Kon Tum, đến nay, huyện Kon Plông đã bước đầu hình thành khoảng 70ha các loại cây có giá trị làm thuốc, chế biến thực phẩm chức năng. Trong đó, có 22ha sâm dây; gồm 17ha người dân đầu tư trồng và khoảng 5ha của một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa bàn.
Ngoài sản phẩm phổ biến là sâm dây khô, bước đầu, huyện đã liên kết với Viện Nghiên cứu và phát triển dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, chế biến một số sản phẩm từ sâm dây như cao đảng sâm, kẹo viên đảng sâm, gói hòa tan từ đảng sâm…
Đến nay, đã hơn 90ha cây sâm dây được phát triển các huyện (Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei). Giá củ tươi tăng dần từ 40.000-50.000 đồng/kg trước đây lên 120.000-180.000 đồng/kg hiện nay giúp người trồng sâm dây tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
Sâm dây đã được tỉnh Kon Tum xác định là 1 trong số 10 loài cây dược liệu có thế mạnh và là 1 trong số 4 loài dược liệu mũi nhọn để phát triển trong những năm tới. Theo Dự án hỗ trợ phát triển liên kết thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm một số loài dược liệu đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu hình thành 9 vùng trồng dược liệu tập trung 300ha theo chuỗi liên kết đối với 10 loài dược liệu lợi thế, trong đó có sâm dây. Tuy vậy, để phát triển sâm dây theo chuỗi giá trị sản xuất đạt chất lượng, hiệu quả, đưa sâm dây thực sự trở thành cây hàng hóa giúp người dân giảm nghèo bền vững, các ngành và địa phương hiện còn đứng trước không ít vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Trước hết, mặc dù đã tạo chuyển biến tích cực trong việc trồng và từng bước phát triển sâm dây tại những vùng có điều kiện tự nhiên đặc thù, song so với quy hoạch vùng dược liệu của tỉnh, hiện nay, diện tích cây sâm dây được định hình còn rất khiêm tốn. Để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, đòi hỏi trước tiên là phát triển vùng nguyên liệu tương xứng. Theo hướng này, tiếp tục mở rộng diện tích sâm dây là yêu cầu thực tế đặt ra đối với các địa phương, đơn vị.
Để đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, cùng với quan tâm giải quyết nhu cầu đất đai, nguồn vốn; liên quan đến khâu kỹ thuật, nguồn giống sâm dây là vấn đề không thể xem nhẹ. Hiện nay, bên cạnh phương pháp nhân giống bằng hạt đã được phổ biến, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực này cũng cần được tính toán, chủ động đón đầu xu thế phát triển.
Theo Thạc sĩ Chu Đình Liệu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học - công nghệ, nhân giống sâm dây vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô đã thành công và tác động tích cực đối với việc phát triển sâm dây theo hướng công nghiệp, tập trung. Ưu điểm trồng sâm dây bằng cây giống nuôi cấy mô nổi bật là khả năng tạo củ cao. Tuy vậy, sử dụng giống nuôi cấy mô đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nhất định; sâm dây phải được tưới nước, chăm bón theo quy trình. Vì vậy, nếu bà con chỉ thuần túy trồng theo lối truyền thống, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên thì không đáp ứng yêu cầu.
Tỉnh Kon Tum có chính sách hỗ trợ một lần 50% chi phí mua cây giống cho gia đình, cá nhân trồng sâm dây; hỗ trợ hộ nghèo một lần toàn bộ chi phí mua cây giống và phân bón vi sinh theo định mức chu kỳ đầu, với diện tích hỗ trợ tối đa 1.000m2/ hộ. Tuy vậy, cũng như các loại cây hàng hóa có giá trị khác, đầu ra cho sản phẩm mới là yếu tố quyết định sự phát triển ổn định của cây sâm dây.
“Tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương hội, sự hỗ trợ của các cấp ngành, nhất là Hiệp hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, hội viên phụ nữ nghèo không chỉ được cấp phát cây giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn quan tâm tranh thủ các nguồn lực để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm sâm dây của chị em; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất như nhà kho, máy sấy… cho các tổ liên kết gắn với tìm đầu mối chế biến sản phẩm nhằm tăng giá trị hàng hóa của sâm dây giúp chị em tăng thu nhập" - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trần Thị Phong Lan cho biết thêm.
Đó chính là một trong những cách làm thiết thực nhằm đẩy mạnh liên kết hình thành chuỗi sản xuất hiệu quả sâm dây, trong đó, khâu tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho hàng hóa chính là vấn đề mấu chốt, mang tính quyết định đối với việc đầu tư phát triển cây sâm dây giúp người dân thoát nghèo và phát triển kinh tế theo định hướng của tỉnh Kon Tum.
Bài, ảnh: Thanh Như