Để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo
Tỉnh ta có tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn điện, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời…Vì vậy, việc thu hút đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế này để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Đây cũng là vấn đề từng được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra trong kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII.
Trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo được xác định là một trong các lĩnh vực quan trọng. Theo tính toán, tổng nguồn năng lượng của tỉnh khoảng 28.644 MW. Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, công suất các nguồn năng lượng tái tạo được phân bổ trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.203 MW. Trong đó, thủy điện vừa và lớn là 304 MW; thủy điện nhỏ là 733,3 MW, điện gió được phân bổ tổng công suất 154 MW, điện mặt trời mái nhà 7 MW, điện sinh khối 5 MW.
|
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Với vai trò cơ quan trực tiếp tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về năng lượng, thời gian qua, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát các vị trí có tiềm năng năng lượng tái tạo, đánh giá kỹ thuật những mặt tích cực thuận lợi; phân tích kỹ các tác động đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái, các ảnh hưởng đến đất đai, rừng, đất rừng tự nhiên, các quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, quy hoạch ngành và các yếu tố khác, lựa chọn phương án khai thác tối ưu, hiệu quả. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất, mặt nước, hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và phát triển lĩnh vực khác, phù hợp với quy hoạch phát triển thủy điện của cả nước và của tỉnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 57/82 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, có 37 công trình đã hoàn thành, với tổng công suất là 405,6 MW; 1 dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 với công suất 49 MW đã vận hành, 1 dự án điện gió đã hoàn thành thi công. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có1.444 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành tổng cộng với tổng công suất lắp đặt 161.196kWp.
Theo ông Lê Như Nhất, ngành năng lượng phát huy vai trò là ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, các dự án năng lượng tái tạo và lưới điện được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả sau đầu tư, đóng góp một phần sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể, năm 2020, các thủy điện trong tỉnh, liên tỉnh đã nộp thuế 604.065 tỷ đồng, năm 2021 là 898.846 tỷ đồng, năm 2022 là 1.221.682 tỷ đồng, năm 2023 là 1.206.745 tỷ đồng và năm 2024 ước tính khoảng 1.058.745 tỷ đồng.
|
Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ tạo điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng như mở đường giao thông phục vụ thi công, vận hành, lưới điện phục vụ thi công xây dựng của các nhà máy thủy điện. Thông qua việc đầu tư lưới điện phục vụ thi công xây dựng của các nhà máy thủy điện, ngành điện đầu tư phát triển thêm lưới điện để cấp điện cho các hộ dân cũng đã giảm một phần chi phí so với đầu tư mới toàn bộ lưới điện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều vướng mắc. Trên địa bàn tỉnh có 12 dự án thủy điện vừa và nhỏ theo kế hoạch đưa vào vận hành trong năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp những khó khăn, trở ngại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hệ thống lưới điện truyền tải chưa đảm bảo dẫn đến chậm tiến độ, các dự án không được đưa vào khác đúng hạn. Vì vậy, tỉnh đã có báo cáo, đề xuất Trung ương cho phép điều chỉnh thời gian đưa các dự án này vào vào vận hành trong giai đoạn 2026 - 2030 vã đã được chấp thuận.
Đồng thời, theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 dự án thủy điện nhỏ tổng công suất 192,7 MW chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, do vướng mắc về quy định. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu hoàn thiện danh mục thu hút đầu tư, rà soát khu đất thực hiện dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án đảm bảo tiến độ theo quy định.
Mới đây, tại Công văn số 1649/BCT-ĐL (ngày 05/3/2025), tỉnh ta được Bộ Công thương phân bổ tăng thêm 1.541,4 MW cho các nguồn điện. UBND tỉnh đã có báo cáo, đề xuất danh mục các dự án nguồn và lưới điện đồng bộ trên địa bàn tỉnh để Bộ Công thương cập nhật trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Điều này góp phần mở hướng để tỉnh thác khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thiên Hương