Chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Cúm gia cầm
Ngày 18/2, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Cúm gia cầm. Đặc biệt không để xảy ra trường hợp người bị nhiễm, tử vong vì bệnh Cúm gia cầm trong thời gian tới.
|
Văn bản số 516/UBND-NNTN của UBND nêu rõ, UBND các huyện, thành phố cần ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo quy định và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.
Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút Cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm;
Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm;
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm.
Đối với các huyện có địa phận giáp ranh với Lào và Campuchia (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai), chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động phối hợp với các lực lượng như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở, khu vực biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành liên quan chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bệnh Cúm gia cầm trên đàn gia cầm, cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi như bệnh Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu phi, Dại, kịp thời phát hiện và xử lý.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật không đúng quy định;
Thành lập các đoàn công tác để tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm. Kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút Cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.
Hồng Lam