Chặn “vòi tín dụng đen”
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã được kiềm chế, những chiếc “vòi” của “tín dụng đen” dần bị chặn, không thể hoành hành.
Tại báo cáo số 165/BC-UBND ngày 7/6, UBND tỉnh nhấn mạnh rằng, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, không còn hoạt động công khai, gây bức xúc như thời gian trước.
Số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hầu như không xảy ra.
Các vụ việc đòi nợ, xiết nợ, đổ chất bẩn, chất thải ít xảy ra và tình trạng phát, dán tờ rơi quảng cáo cho vay đã được kiểm soát.
Hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng, vay trực tuyến, vay qua app và giải ngân qua tài khoản ngân hàng cũng giảm mạnh, sau khi lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh.
Có thể khẳng định, những cái “vòi” gớm ghiếc của “tín dụng đen” đã được ngăn chặn khá hiệu quả.
|
Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trong thời gian qua.
Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm theo kiểu băng nhóm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện vi phạm pháp luật; triệt phá các băng, nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tại báo cáo số 165/BC-UBND ngày 7/6 của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 4 công ty tài chính, 23 cơ sở cầm đồ và 18 đối tượng riêng lẻ nghi vấn cho vay lãi nặng. Lực lượng Công an các cấp thường xuyên tiến hành kiểm danh, kiểm diện số đối tượng là người đại diện theo pháp luật của các công ty tài chính, chủ các cơ sở hoạt động cầm đồ, cho vay tiền trên địa bàn.
Công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được tiến hành kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, triệt phá một số tụ điểm hoạt động “tín dụng đen” với phương thức, thủ đoạn là thuê người đi dán tờ rơi quảng cáo và cho vay tiền với lãi suất cao.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kon Tum cũng đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tội phạm “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và có sự liên kết giữa các đối tượng.
Khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay trực tiếp đòi nợ hoặc thông qua các đối tượng hình sự để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật.
Có trường hợp đối tượng lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội, pháp luật của đồng bào DTTS, dụ dỗ người vay viết giấy không ghi lãi suất, sau khi người vay không trả được thì tiếp tục cưỡng ép chuyển hóa việc vay nợ sang hình thức mua bán, thế chấp tài sản.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Khó khăn là trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; khi có nhu cầu vay vốn thì ngại thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của các kênh vay vốn chính thống.
Trong khi đó, phương thức cho vay của các đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” rất dễ dàng, không yêu cầu hồ sơ, thủ tục và tài sản đảm bảo nên một số người có nhu cầu cấp bách đã tìm đến “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” không hẳn chỉ nhắm vào người nghèo mà vào bất kỳ ai có nhu cầu vay nhưng không gõ được cửa của các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, thậm chí ngay cả khi đại dịch qua đi, với một nền kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục, bất cứ ai cũng đều có thể tự biến mình thành nạn nhân của “tín dụng đen”.
Vì vậy, bên cạnh công tác đấu tranh, triệt phá các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen”, công tác phòng ngừa cần được đẩy mạnh.
|
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”, các hành vi đòi nợ trái pháp luật để người dân biết, nâng cao cảnh giác.
Vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” hoặc lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thành lập doanh nghiệp, kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân.
Hồng Lam