Câu chuyện Hội quán
Tổ chức hoạt động theo phương thức tự nguyện, tự lực, không tổ chức bộ máy, không chi phí từ ngân sách và không cơ sở vật chất, nhưng những mô hình Hội quán đang cho thấy đây là thiết chế hoạt động cộng đồng mang lại nhiều giá trị. Các Hội quán đang trở thành “ngôi nhà chung” để những người dân “nói cho nhau nghe và lắng nghe nhau nói”, cùng nhau học tập kinh nghiệm, cùng nhau tiến bộ và làm giàu.
Những ngày cuối năm, dù bận rộn với việc thu hái cà phê, nhưng đã thành lệ, vào khoảng 6h30 sáng, các thành viên của “Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà”, thị trấn Đăk Hà lại có mặt tại quán cà phê 568 (Tổ dân phố 2B, thị trấn Đăk Hà). Họ vừa thưởng thức món đồ uống đặc trưng của địa phương được chế biến từ chính sản phẩm do người dân làm ra, vừa cập nhật thông tin thị trường, bàn chuyện thuê mướn nhân công, tìm kiếm đơn vị tiêu thụ, tái sản xuất trong vụ tới.
Ông Nguyễn Đình Điều- Chủ nhiệm Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà cho biết: 21 thành viên của Hội quán đều làm cà phê, tùy vào từng thời điểm, nhưng tất cả các câu chuyện của chúng tôi đều xoay quanh việc trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến làm sao để vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa tiêu thụ được với giá cao. Ai có thắc mắc hoặc vấn đề gì cần tư vấn, hỗ trợ đều có thể đưa ra trong các buổi sinh hoạt và sẽ được các thành viên trong Hội quán giúp đỡ, chia sẻ cách làm hiệu quả.
|
“Mọi người cũng không ngại “bật mí” cho nhau về những mối cung ứng vật tư nông nghiệp giá cả phù hợp, đơn vị thu mua sản phẩm uy tín, rồi rủ nhau mua chung, bán chung. Ban chủ nhiệm Hội quán cũng luôn chú trọng tuyên truyền, định hướng các thành viên sản xuất cà phê theo hướng an toàn, thu hái với tỷ lệ quả chín cao để đảm bảo chất lượng cà phê xuất khẩu và góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà”- ông Điều khẳng định.
Ông Phạm Xuân Khỏe- thành viên Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà bộc bạch: Với tôi, tham gia vào Hội quán mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Chẳng hạn như trước đây, khi cây cà phê bị bệnh tôi phải tự mày mò tìm hiểu, hỏi người này người kia về cách trị bệnh rất vất vả mà nhiều khi hiệu quả không cao. Bây giờ thì chỉ cần nêu ra trong buổi cà phê sẽ được anh em chia sẻ kinh nghiệm xử lý, thậm chí đến tận vườn để hỗ trợ, rất nhanh và hiệu quả.
Không tổ chức được gặp gỡ hằng ngày như Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà, nhưng theo định kỳ, ngày 21 hàng tháng, các thành viên trong Hội quán nông nghiệp và dịch vụ Ia Chim lại tập trung ở địa điểm được thống nhất để cùng nhau chuyện trò, trao đổi về cách thức làm nông nghiệp hiệu quả. Không câu nệ hình thức, mọi người vui vẻ kể với nhau, giải đáp cho nhau về cách trồng, chăm bón, thu hoạch cà phê, sầu riêng, trái cây.
Chủ nhiệm Hội quán nông nghiệp và dịch vụ Ia Chim Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: Ban đầu, khi được chính quyền phổ biến chủ trương xây dựng Hội quán, chúng tôi đều rất mơ hồ, nhưng mấy anh em đảng viên đứng ra kêu gọi, “rủ rê” những người quen có chung chí hướng, khát vọng làm kinh tế nông nghiệp tham gia. Đến tháng 9/2023, Hội quán nông nghiệp và dịch vụ Ia Chim chính thức ra đời, ban đầu có 41 thành viên, đến nay có 47 thành viên, trong đó có 5 thành viên là người đồng bào DTTS.
|
“Vượt qua những bỡ ngỡ lúc đầu, Hội quán từng bước đi vào hoạt động ổn định, thành lập nhóm zalo để mọi người tiện trao đổi thông tin, duy trì được sinh hoạt định kỳ với nội dung phong phú, đa dạng, giúp các thành viên có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chúng tôi cũng đang hướng tới việc xây dựng, phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, miệt vườn gắn với du lịch lòng hồ tại địa phương để nâng cao thu nhập cho hội viên”- ông Nguyễn Đức Thịnh cho biết thêm.
Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt, các Hội quán còn lồng ghép tuyên truyền, vận động thành viên trong Hội quán thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Mô hình Hội quán đã giúp kết nối những người sản xuất có cùng tiếng nói, cùng khát vọng. Đây chính là cơ sở thực hiện liên kết giữa nhóm nông dân với doanh nghiệp, góp phần hướng đến phát triển các loại hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến hết tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 9 Hội quán với tổng số 214 thành viên tham gia. Trong đó, thành phố Kon Tum xây dựng được 2 Hội quán, huyện Đăk Hà có 4 Hội quán, huyện Sa Thầy có 2 Hội quán và huyện Kon Plông có 1 Hội quán.
Mỗi Hội quán thuộc một lĩnh vực, nhưng tất cả đều được thành lập trên cơ sở tập hợp, gắn kết những người dân lao động cần cù, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, biết gắn những hoài bão cá nhân với mục tiêu chung của cộng đồng. Tinh thần tự lực, hợp tác, tự nguyện, tự giác; phương châm hoạt động “ba không, ba tự, ba cùng”, đó là không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết và cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng chính là hồn cốt của các Hội quán. Tất cả đều bình đẳng, thuận hòa, cùng kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mặc dù là thiết chế cộng đồng, do người dân làm chủ, nhưng trong hành trình xây dựng và phát triển của các Hội quán, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương luôn đồng hành, theo dõi và hỗ trợ.
Theo đó, các phòng, ban chuyên môn của các địa phương cùng với UBND các xã phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở thường xuyên tham gia trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội quán. Qua đó, lắng nghe, định hướng hoạt động, kịp thời giải quyết, xử lý các vướng mắc cũng như kiến nghị, đề xuất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội quán.
Ông Võ Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết: Hội quán là kênh chia sẻ, tăng cường mối liên kết giữa người dân với cấp ủy đảng, chính quyền. Qua các buổi sinh hoạt đã giúp chúng tôi nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với các vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Từ đó, có điều chỉnh phù hợp hơn trong chỉ đạo thực hiện, vì sự phát triển chung của quê hương.
Hội quán là mô hình mới tại tỉnh ta, ban đầu không tránh khỏi những nghi ngại và cả những lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, từ những giá trị tích cực, sự mới mẻ trong cách tập hợp, đoàn kết cộng đồng mà các Hội quán đã và đang mang lại, chúng ta tin tưởng mô hình này sẽ tiếp tục phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.
Thùy Hương