Bảo vệ đa dạng sinh học rừng Kon Plông
Kon Plông được biết đến với khí hậu mát mẻ, với Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen có nhiều danh thắng đang được đầu tư xây dựng và phát triển. Rừng nơi đây được xem là một “kho báu” về sự đa dạng sinh học, nhất là các loài động thực vật quý hiếm như voọc chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ, cầy vằn, gấu ngựa...
Tháng 4, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh trời nắng như đổ lửa, nhưng vào các khu rừng ở thị trấn Măng Đen, xã Măng Cành... khí hậu vẫn mát mẻ lạ thường.
Từng gắn bó với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhiều năm, tôi có nhiều chuyến đi thực tế tại nhiều khu rừng và nghe cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp kể nhiều về sự đa dạng sinh học rừng huyện Kon Plông. Chỉ hơn chục năm trước đây thôi, nhiều cán bộ lâm nghiệp còn thấy cả dấu chân hổ, gấu ngựa và nhiều loài động vật quý hiếm khác trong rừng tự nhiên ở địa phương.
Trong việc bảo tồn động vật hoang dã, theo bà Hồ Hải Yến – cán bộ truyền thông Tổ chức Fauna & Flora International (FFI), kết quả khảo sát thực địa của Tổ chức FFI và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phát hiện rừng trên địa bàn huyện Kon Plông có một số loài động vật như chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ, cầy vằn, gấu ngựa, cu li nhỏ, rái cá cùng nhiều loài động vật quý hiếm khác.
Tổ chức FFI và các cấp chính quyền địa phương hiện đang thực hiện chương trình bảo tồn động vật hoang dã với hy vọng góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển cho thế hệ mai sau. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu động vật hoang dã và vườn thú Leibniz (IZW), Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính quyền và cộng đồng địa phương, với nguồn vốn từ Quỹ Darwin (Chính phủ Anh)...
|
Các kết quả khảo sát của Tổ chức FFI đã phát hiện quần thể khoảng 500 cá thể chà vá chân xám tại huyện Kon Plông. Chà vá chân xám chỉ được tìm thấy ở Việt Nam và là một trong số các loài được xếp hạng cực kỳ nguy cấp, mức cao nhất trong Danh lục đỏ IUCN. Quần thể chà vá chân xám ở huyện Kon Plông và quần thể tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) được đánh giá có khả năng là hai quần thể lớn nhất còn lại của loài này.
Các khảo sát bẫy ảnh của Tổ chức FFI cũng đã ghi lại được hình ảnh của trên 120 loài động vật có vú và chim, trong đó có một số loài cực kỳ nguy cấp và đặc hữu như quần thể cầy vằn được tìm thấy ở nhiều nơi tại rừng Kon Plông. Đây là loài thú ăn thịt được xếp loại nguy cấp trong Danh lục đỏ của IUCN. Ngoài ra, rừng ở huyện Kon Plông còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim đặc hữu của Việt Nam và của khu vực như khướu Kon Ka Kinh, khướu Ngọc Linh và một số loài thực vật đặc hữu khác.
Từ các kết quả trên, rừng huyện Kon Plông được đánh giá có giá trị lớn cho bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở tỉnh mà còn trong nước. “Với những thông tin quan trọng về đa dạng sinh học mà các nhà khoa khọc mới ghi nhận gần đây, rừng Kon Plông xứng đáng là một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những lợi ích về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn khu vực này sẽ góp phần nâng cao các giá trị dịch vụ du lịch bền vững cho Kon Plông” - ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm PanNature cho biết.
Mặc dù trong những năm qua, các chủ rừng, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên, tình trạng săn bắn, khai thác trái phép, phá rừng làm rẫy lấy đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn xảy ra; việc làm đường, thủy điện... tác động không nhỏ đến nơi sinh sống của động vật hoang dã.
Để góp phần bảo vệ động vật hoang dã, trong khuôn khổ của Chương trình, trong năm 2020, Tổ chức FFI tổ chức tập huấn nhận dạng một số loài động vật hoang dã; xây dựng hệ thống mẫu phiếu tuần tra và cách ghi chép dữ liệu trong tuần tra rừng; sử dụng máy định vị GPS trong tuần tra và nỗ lực tuần tra rừng; hỗ trợ sử dụng ứng dụng phần mềm QGIS trong cập nhật diễn biến tài nguyên rừng cho nhiều cán bộ công chức, viên chức ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thạch Nham, Hạt Kiểm lâm Kon Plông, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Kon Plông và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Bên cạnh đó, Tổ chức FFI tổ chức tập huấn kỹ năng quản lý điều hành nhóm nông dân và hỗ trợ sinh hoạt nhóm nông dân cho nhiều lãnh đạo và nông dân ở các xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Cành và Ngọc Tem (huyện Kon Plông); đồng thời kết nối Hợp tác xã Công bằng thương mại Pô Kô để giúp người dân thu mua cà phê. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao đời sống, hạn chế và ngăn chặn những tác động vào rừng, bảo vệ sinh cảnh của các loài động thực thực trong rừng tự nhiên.
Sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học rừng huyện Kon Plông với đẩy mạnh phát triển ở Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen sẽ góp phần tạo ra “cú hích” cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên