“Ăn vườn, ngủ vườn” canh trộm cà phê
Khi những vườn cà phê trĩu quả đã chín ửng, báo hiệu vào vụ thu hái rộ, cũng là lúc người trồng cà phê bước vào một “mùa” mới: Mùa canh trộm, không kém phần căng thẳng, mệt mỏi.
Sáng cuối tuần. Vừa dừng xe lại trước vườn cà phê chín đỏ rộng bát ngát bên đường với ý định chụp vài kiểu ảnh, tôi đã có cảm giác như bị nhiều đôi mắt theo dõi.
Mà đúng thật. Ngay khi tôi đặt những bước chân đầu tiên vào vườn cà phê, đã có mấy thanh niên ló đầu ra từ tán lá cà phê rậm rạp, nhìn với ánh mắt “hình sự”.
Trong khi tôi đang phân vân không biết có nên tiến lại chào hỏi hay “rút êm” thì một người chạy tới hồ hởi: Ơ, anh đấy à! Đi đâu mà “lạc” vào tận vườn cây thế này?
Tôi nhận ra Hải- cậu em đồng hương. Chào hỏi xong, cậu ta quay lại nói với những thanh niên đi phía sau: Người quen, người quen cả. Mọi người cùng cười. Loáng cái, mấy thanh niên đã biến mất trong vườn cây.
Tôi theo Hải đi vào sâu bên trong. Một vài vườn cà phê đang thu hoạch. Những bóng người thấp thoáng; tiếng nói cười, tiếng tuốt cành, tiếng quả cà phê rơi xuống bạt rào rào.
|
Hải kể, mấy anh em đang làm nhiệm vụ trực bảo vệ vườn cà phê để ngăn ngừa nạn trộm cắp. Khu vườn cà phê này, trong đó có mấy héc ta cà phê của gia đình Hải, nằm cạnh đường lớn, thuận tiện cho việc đi lại thăm nom, chăm sóc.
Nhưng điều thuận lợi ấy lại cũng là “điểm hấp dẫn chết người”, khiến vườn cây dễ bị kẻ trộm “thăm viếng”. Biết rõ là vậy, nên từ khi quả cà phê bắt đầu hơi ửng vỏ là Hải thực hiện “ăn vườn cây, ngủ vườn cây”.
Hải cho biết, trước đây, giá cà phê xuống thấp nên nạn trộm cắp cũng lắng xuống, gần như biến mất. Nhưng mấy niên vụ gần đây, giá cà phê tăng mạnh, vấn nạn này cũng xuất hiện trở lại. Mỗi khi bước vào mùa thu hái, người trồng cà phê đều nơm nớp lo bị mất trộm.
Cũng theo Hải, vào những niên vụ trước, ở khu vực này đã từng xảy ra một số vụ trộm cắp cà phê. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối hoặc rạng sáng, chọn những vườn cây rậm rạp để đột nhập hái trộm cà phê.
Kẻ gian “thích nhất” là những vườn cà phê ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh doanh, bởi cây có cành thẳng, quả to, chín đều, dễ hái; hoặc là những vườn có địa hình bằng phẳng, thuận lợi về đường sá nhưng lại cách xa khu dân cư, người dân khó bảo vệ.
Sau khi chọn được rẫy “ưng ý”, đối tượng (thường đi thành nhóm), cắt cử người canh chừng rồi mang theo bạt vào vườn hái cà phê. Thậm chí, thấy tuốt cà phê tại cành mất nhiều thời gian, lại bị động, kẻ gian sẵn sàng cắt hoặc bẻ cành rồi mang đi nơi khác tuốt quả, vừa nhanh, vừa dễ trốn chạy khi bị phát hiện.
Đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của người trồng cà phê. Vì cách trộm này gây thiệt hại lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vườn cây.
Nói đâu xa, cách đây 2 năm, chính vườn cà phê của gia đình Hải cũng từng bị kẻ gian “tập kích”. Hậu quả là một số cây bị tuốt sạch quả; hơn chục cây còn bị kẻ gian cắt trụi cành, gom lại thành đống rồi tuốt sạch trái chín, trái xanh, ngang nhiên vứt cành ngay tại vườn.
Đứng nhìn những cành cà phê nằm vương vãi mà lòng như xát muối. Tiếc quả thì ít, xót cây thì nhiều anh ạ- Hải nhớ lại.
|
Vì vậy, để chủ động đối phó với nạn trộm cắp cà phê, mấy năm gần đây, các thôn, làng tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên thăm rẫy. Đồng thời, cùng với các lực lượng bảo vệ của chính quyền, doanh nghiệp, người trồng cà phê cũng tự hình thành các tổ bảo vệ “chuyên nghiệp” để trông coi, bảo vệ vườn cà phê.
Niên vụ này, giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, nguy cơ bị mất trộm càng lớn. Mặc dù người dân chưa chính thức báo lên, có lẽ do thiệt hại ít hoặc sợ bị “trả thù”, nhưng Hải cũng đã nghe nói về một số vụ trộm nhỏ trên rẫy.
Vì vậy, tổ của Hải phải tăng cường ứng trực, tuần tra cả ngày lẫn đêm. Nếu thấy có người lạ đến thì theo dõi, ngăn chặn kịp thời nếu họ có ý định xâm nhập vườn cây, đồng thời báo với thôn hoặc công an xã để kịp thời giải quyết.
May quá. Lần sau đi phải kiếm “thổ địa” dẫn đường, nếu không lớ ngớ chui vô vườn cây, cái bản mặt lạ hoắc lạ huơ đang dáo dác nhìn quanh tìm góc chụp ảnh của mình dễ bị hiểu nhầm là kẻ trộm cà phê đang đi dò la “địa bàn làm ăn” lắm- tôi thầm nghĩ.
Ngoài bảo vệ vườn cà phê của gia đình, tổ em còn nhận bảo vệ vườn cây cho những gia đình có rẫy sát bên nhưng neo người. Chịu khó vất vả, ăn bờ ngủ bụi, thức ngày thức đêm nhưng có thể ngăn chặn được nạn trộm cắp- Hải chia sẻ.
Điều giúp cho người trồng cà phê yên tâm hơn là trong nỗ lực bảo vệ vườn cây luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng. Ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân ngăn chặn hiệu quả nạn trộm cắp.
Trong đó, ngoài việc tuyên truyền và yêu cầu gia đình đề cao cảnh giác, chủ động canh giữ, chính quyền và lực lượng công an huy động lực lượng, gồm công an chính quy và lực lượng an ninh trật tự cơ sở tuần tra, kiểm soát khu vực trồng cà phê của người dân vào ban đêm.
Nhân rộng các mô hình tự quản về phòng, chống tội phạm, đảm bảo tốt tình hình trật tự trên địa bàn. Rà soát, ký cam kết với các cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn không mua, bán, tàng trữ cà phê trái pháp luật; không thu mua cà phê do trẻ em, thiếu niên bán; chủ động phát hiện các trường hợp nghi vấn bán cà phê trộm cắp, kịp thời cung cấp cho lực lượng công an để ngăn chặn, xử lý.
Cuộc trò chuyện không kéo dài được thêm vì đến lúc Hải phải đổi ca cho “đồng nghiệp” đang trực ở phía bên kia khu vườn, giáp với khu dân cư. Không thể lơ là được- tiếng Hải vọng lại khi bóng người mất hút giữa những tán cà phê rậm rạp trĩu quả đang trong đợt cao điểm thu hái.
Thành Hưng