Lý Sơn xa mà gần
Đến Lý Sơn, chúng tôi như được trở về, được hòa mình với thiên nhiên. Lý Sơn tuy xa mà gần. Đến đây, mỗi người như thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Thực hiện Chương trình công tác năm 2025, Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Hôm ấy, trời lất phất mưa, se se lạnh. 7h30’ có mặt tại cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), chúng tôi lên tàu thẳng tiến ra Lý Sơn.
Nhiều người trong Đoàn công tác lần đầu đến với Lý Sơn, ai nấy rất hân hoan. Hơn 8h thì tàu cập cảng Lý Sơn. Đã hẹn trước, khi qua cảng, anh Ngô Ánh Nhật, lái xe thuộc Công ty Hải Đăng Lý Sơn kịp thời đưa Đoàn đến nhà nghỉ gần cầu cảng. Có điều lạ, lần đầu đến với Lý Sơn, nhưng tôi thấy gần gũi, như đang về nhà mình. Anh chị chủ nhà nghỉ thân thiện, dễ gần.
Trong căn nhà chính, vợ chồng chủ nhà làm nơi thờ tự và nghỉ ngơi của gia đình. Nhà nghỉ cho khách nằm kế bên. Tranh thủ trời mưa, chúng tôi vào thăm và trò chuyện với chủ nhà là anh Trần Đình Nhân.
Nhấm nháp ly trà do chủ nhà mời, hương trà thơm nhẹ, tôi thấy lòng phấn chấn. Anh Trần Đình Nhân tâm sự, đến anh đã trải qua 13 đời gắn bó với đảo Lý Sơn và vợ anh cũng là người của Lý Sơn. Cũng như nhiều cư dân Lý Sơn, gia tộc anh trước đây chuyên làm nghề đánh bắt hải sản, trồng tỏi, hành và buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, gia đình anh chuyển sang làm dịch vụ nhà nghỉ.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhưng cuộc sống của người dân Lý Sơn vẫn giữ nét chân chất, mộc mạc. Trong khuôn viên vườn nhà nhiều hộ gia đình ở đây thường có những cây như khế, thị, mít, dừa mang đậm hồn quê như trong nội địa. Nhà ở của cư dân Lý Sơn được xây dựng kiên cố. Trong nhà, nhiều hộ gia đình còn giữ những cột kèo, tủ thời xưa bằng gỗ quý. Ngôi nhà anh Trần Đình Nhân cũng không ngoại lệ. Nhà anh tuy được xây dựng từ 1976, những vẫn kiên cố và đẹp. Trong nhà, ở nơi thờ tự 3 gian có hoành phi, câu đối và những tủ thờ cổ bằng gỗ quý có chữ nho được thếp vàng.
Du khách đến Lý Sơn du lịch khá đông. Tuy nhiên, đường sá ở Lý Sơn khá sạch, đẹp, ít khi thấy rác thải. Ở những tuyến đường chính, hai bên đường đều có cây xanh tỏa bóng mát.
|
Đến thăm đình An Vĩnh- Di tích lịch sử Quốc gia, chúng tôi thắp nén nhang thơm cho các tiền nhân. Nhìn thẳng ra biển qua tiếng sóng liên hồi, chúng tôi như nghe lời cha ông trong Lễ Khao lề thế lính vọng về. Theo lời anh Ngô Ánh Nhật cũng như qua tìm hiểu nhiều người dân nơi đây, hằng năm cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này bắt nguồn từ lịch sử hình thành Đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn, nhà Nguyễn và được giữ gìn đến ngày nay.
Theo các tài liệu, với tầm nhìn chiến lược về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn thành lập Hải đội Hoàng Sa gồm 70 dân đinh giỏi nghề biển từ làng An Vĩnh và An Hải (nay là huyện đảo Lý Sơn) giao nhiệm vụ đo đạc thủy trình, thu thập hải vật, sản vật và cắm mốc khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày trước, không có tàu thuyền hiện đại như bây giờ, việc ra đi của Đội Hoàng Sa khoảng 6 tháng trời lênh đênh trên biển cả, thường thì lành ít, dữ nhiều. Chính vì vậy, Lễ Khao lề thế lính và những ngôi mộ gió (không có hài cốt) với những hình nhân bằng đất sét thế mạng như là cách để làm an lòng đội hùng binh và thân nhân đội hùng binh trong việc thực thi chủ quyển biển đảo.
Cư dân Lý Sơn ngày nay vẫn còn nhớ câu ca: “Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tiếp nối truyền thống, hằng năm, nhân dân trên đảo Lý Sơn long trọng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những hùng binh thuộc đội Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và nằm lại với biển cả.
Tham quan và đứng trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với hình tượng ba binh phu mắt nhìn thẳng, tay chống giáo, tay chỉ thẳng, lòng tôi lại dâng lên niềm tự hào về tinh thần và ý chí của tiền nhân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tham quan Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý chứng minh về chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những tấm bản đồ cũ kỹ, những bài vị khắc tên người ra đi không về, mô hình thuyền của phu lính được trưng bày, chúng tôi như nghe thấy tiếng vọng của cha ông, quá khứ với hiện tại như được kết nối, nhắc nhở người đang sống không được quên trách nhiệm của mình với biển đảo.
Đoàn tham quan chùa Hang (di tích lịch sử cấp quốc gia) - “Thiên khổng thạch tự” (chùa đá trời sinh) nằm bên dưới vách núi Thới Lới, thuộc thôn Đồng Hộ, xã An Hải. Theo thông tin từ di tích, chùa Hang có nguồn gốc là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà la môn, sau này khi người Việt đến khai phá vùng đất Lý Sơn vào đầu thế kỷ thứ XVII, chùa thành nơi tu tiên, và sau này thành nơi thờ Phật. Trong chùa có nhiều ban thờ bệ đá, dùng để thờ Phật, Quan thánh và Thập điện Diêm vương; các vị tổ họ Trần có công lập chùa Hang và 7 vị tiền hiền lập làng An Hải.
Có điều lạ là trong chùa Hang tôi không thấy có sư trụ trì, chỉ có người làm công đức, lo hương đèn, hoa quả. Đây là nơi thanh tịnh và linh khí của Lý Sơn. Đến đây, du khách được hưởng không khí trong lành, mát mẻ, người khỏe khoắn lạ thường.
Đoàn công tác đến thắng cảnh hang Câu, cổng Tò Vò, là những thắng cảnh đẹp, hữu tình. Du khách tha hồ chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho mình giữa trời đất và biển cả trong lành. Dù không ai nói ra, nhưng trong thâm tâm mỗi người như thấy mình được hòa vào thiên nhiên, với biển cả, với đất trời tươi đẹp.
Được đắm mình với thiên nhiên Lý Sơn, chúng tôi như được trở về, càng yêu quý biển đảo mình hơn và như thấy được trách nhiệm của mình qua lời tiền nhân “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” được khắc ở tượng đài khu Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa huyện đảo Lý Sơn.
Văn Nhiên