Xuân về nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ
Trong niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ về những vần thơ xuân, thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Trên cương vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, mỗi dịp đầu năm mới, Bác thường làm thơ chúc Tết, thơ xuân. Mỗi dịp xuân đến, trong giây phút giao thừa thiêng liêng, toàn dân háo hức được nghe tiếng nói của Bác, ngóng đợi những “tin” mới lạ trong một khổ thơ xuân ngắn gọn của Người.
Thơ xuân của Bác, đó là lời của lãnh tụ. Nhưng nếu chỉ là lời của lãnh tụ không thôi thì âm hưởng của nó không thể vang ngân trong lòng người như vậy được. Đó còn là lời của người Cha - Cha già dân tộc như cách nói quen thuộc của nhân dân hồi đầu cách mạng, là lời của Bác - Bác Hồ thân yêu, như cách gọi mãi mãi thích hợp với dân tộc Việt Nam. Từ năm 1942, Bác đã có thơ xuân. Và sau ngày đất nước độc lập, hầu như năm nào Bác cũng có thơ gửi tặng đồng bào, chiến sĩ nhân dịp Tết đến, Xuân về.
|
Ngày 2/9/1945, Người đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nền độc lập của nước nhà bị đe dọa chỉ chưa đầy tháng sau đó bởi sự quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp. Cuối năm 1946, Bác đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và xác định chúng ta sẽ còn phải chiến đấu lâu dài để giữ vững nền độc lập. Niềm vui độc lập ngắn ngủi lại phải nhường chỗ cho tinh thần sẵn sàng kháng chiến. Tết Bính Tuất năm 1946 - năm độc lập đầu tiên - Người có thơ chúc Tết gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước, bài thơ đọc lên thấy ấm áp và lưu luyến tình dân nước, tình gia đình, vừa mới đoàn tụ đã lại phải cách xa:
“… Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.”
|
Chỉ là “tạm xa” thôi để được gần nhau mãi mãi, bởi hai miền Nam, Bắc là của một nước Việt Nam thống nhất, miền Nam luôn trong trái tim Người, trong triệu triệu trái tim người dân nước Việt. Chữ “tạm” trong câu thơ của Bác không làm cho người nghe cảm thấy sự chia xa, ngược lại, lời nhắn gửi, ước hẹn “Cùng uống một chung rượu đào” ở “Tết sau sum vầy” lại gieo đầy niềm hy vọng về một ngày gặp mặt không xa. Nếu như khổ thơ đầu trong thể thơ lục bát làm tăng thêm phần lưu luyến và ước hẹn thì khổ sau của bài trong thể thơ thất ngôn lại cho thấy sự phấn chấn về một thắng lợi không xa, một tương lai tươi sáng:
“Chúc đồng bào:
Trong năm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
…
Việt Nam độc lập muôn năm!”
“Muôn việc đều tiến tới” với mỗi người và với Bác đó là mong muốn cho toàn thể dân tộc: kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, Việt Nam độc lập! Mấy câu thơ ngắn gọn nhưng đã hàm chứa tất cả ước nguyện và là mục tiêu của nước Việt Nam kiên cường. Đó là ý chí, là niềm tin để sau chín năm trường kỳ kháng chiến, chúng ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Trong mỗi khổ thơ xuân của Bác bao giờ cũng là sự thâu tóm những mục tiêu lớn, là sự nhắc nhở tình thế mới của cách mạng, là sự lạc quan, thôi thúc hành động. Trong kháng chiến chống Mỹ, hai miền Nam, Bắc - tiền tuyến, hậu phương - quyết một lòng hăng say chiến đấu, lao động mong giành độc lập, thống nhất nước nhà trong mỗi xuân. Trong ba mùa Xuân nối tiếp, từ 1967 đến 1969, những vần thơ chúc Tết của Bác đã làm thành một khúc ca liên hoàn rạng rỡ niềm vui chiến thắng.
|
Mừng xuân Đinh Mùi năm 1967, Bác viết:
“Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa”
Lời thơ là lời chúc, lời mừng cũng là niềm cổ vũ lớn lao cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước. Lời cổ vũ cho một mục đích, cho một nhiệm vụ mà dân tộc đã đặt ra đó là cuộc chiến đấu chống Mỹ, chiến thắng giặc Mỹ: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Hai từ hành động trong một câu thơ Bác nhấn mạnh chữ “chống” chữ “đánh”: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi”. Đánh “giỏi” là chữ của Bác, lời chúc, lời khen của Bác đồng nghĩa với trận thắng là trận “đánh hay”, trận “đánh đẹp” thường có trong thơ Bác xưa nay.
Qua xuân Mậu Thân năm 1968, vần thơ của Người lại tiếp thêm cho toàn thể nhân dân và dân tộc một sức mạnh, một niềm tin, một ý chí thôi thúc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Năm 1968 miền Nam tiến công nổi dậy đồng loạt, buộc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán Paris. Thắng lợi trên chiến trường khiến câu thơ xuân của Bác vui đến tràn ngập. Vẫn chữ “xuân” ở đầu câu thơ, nhưng là xuân vui, xuân vui hơn xuân trước, xuân năm qua. Vẫn nhiệm vụ “đánh giặc Mỹ” chung của hai miền rõ ràng và mạnh mẽ nhưng trong thơ Bác, đó còn là lời gọi, lời giục: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Câu thơ trở nhịp ngắt ra trên dưới của hai chữ tiến lên như tiếng kèn thúc, tiếp liền năm chữ của điệu thơ đĩnh đạc “toàn thắng ắt về ta”. Chữ “thắng” được đặt trong câu cuối của bài thơ đã làm sáng bừng tất cả, niềm vui, sự thúc giục, niềm tin tưởng vào chiến thắng chính nghĩa.
“Mừng xuân - 1969” là bài thơ mừng xuân cuối cùng Bác Hồ gửi lại cho toàn thể dân tộc ta, gửi lại một tâm nguyện “Bắc, Nam sum họp” để “… cùng uống một chung rượu đào” trong ngày vui độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Đọc những vần thơ này, lòng ta trào dâng niềm phấn khởi và sự quyết tâm chiến đấu, chiến thắng như chiến sĩ và đồng bào cả nước năm nào:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!
Bắc, Nam sum họp xuân nào vui hơn”
Thể thơ lục bát được Người sử dụng làm cho lời chúc thân quen hơn, gần gũi hơn, cởi mở hơn với chiến sĩ đồng bào, đồng thời thể hiện được trọn vẹn mục đích chính nghĩa cho chiến đấu và chiến thắng “Vì độc lập, vì tự do”. Thế tiến công mạnh mẽ được tiếp nối từ thắng lợi của “năm qua” sẽ tiếp tục làm nên những chiến thắng, làm cho “Mỹ cút”, “ngụy nhào”. Hai vế hai tiểu đối gọn trong bốn chữ của câu thơ tám chữ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trọn vẹn về ý nghĩa, là thế thua tất yếu của giặc. Vẫn là tiếng kèn thúc giục “tiến lên” âm vang từ xuân trước, kêu gọi khối đại đoàn kết quân dân đứng lên để cùng “đánh”, cùng thắng, cùng nhau gây dựng một mùa xuân vui nhất - xuân sum họp Bắc, Nam.
Ngâm nga trong lòng những vần thơ xuân của Bác, tôi cảm nhận được ở đó cái ý vị lạc quan, niềm vui sống, một lòng tin tuyệt đối vào quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là sức mạnh của dân tộc sẽ đạp lên mọi thử thách, giành chiến thắng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác thuở sinh thời.
Những vần thơ ấy với ánh sáng của sự lạc quan giúp chúng ta bước vào mùa xuân mới, một năm mới với niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến, với tràn đầy sức mạnh và khát vọng để hành động cho tương lai.
Phạm Thị Hoa