Tết Độc lập nhớ ơn Bác Hồ
Hôm nay là Tết Độc lập của dân tộc Việt Nam. Ngày này, cách đây 78 năm, tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân, đồng bào cả nước đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh đất nước, đi dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió của những ngày mùa Thu tháng 9 mà rưng rưng nhớ đến Bác Hồ, người đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
|
Hàng năm, đến ngày Tết Độc lập là trên sóng phát thanh, truyền hình lại phát thước phim tư liệu quý giá Bác Hồ thay mặt quốc dân, đồng bào cả nước đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dù đã được xem, được nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng vậy, nhìn thấy hình ảnh của Bác đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập với chất giọng ấm áp “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!” tôi đều rưng rưng xúc động.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta có tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến. Xuất phát từ tình yêu nước thương dân ấy, Người đã quyết tâm rời gia đình, quê hương, đất nước bôn ba khắp bốn biển năm châu để tìm cho được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Dù phải làm những công việc hết sức cực nhọc, nhưng Người vẫn kiên trì, vượt khó vươn lên vì mục tiêu: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Rồi những năm tháng trở về nước hoạt động cách mạng, Người tiếp tục vượt qua bao gian khổ, hy sinh để cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng liên tiếp giành được những thắng lợi vĩ đại cho dân tộc.
Đầu tiên là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Và liên tiếp những năm sau đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn nghĩ cho dân, cho nước. Cụ thể, đối với Đảng, Bác luôn trăn trở sẽ phải làm thế nào; đối với cán bộ, đảng viên phải ra sao; đối với quần chúng nhân dân cần phải như thế nào… Ở từng lĩnh vực công việc, Bác đều có sự quan tâm, nhắc nhở và có những lời căn dặn thiết thực, cụ thể. Mỗi lời dạy, mỗi bài học mà Người để lại đều là vốn quý để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ta nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện suốt đời.
Trong Di chúc của mình, Bác cũng để lại một tình yêu nước, thương dân vô bờ bến. Bác đã viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Và đó là những việc Bác căn dặn đối với về Đảng, với thế hệ trẻ, với nhân dân lao động, với cuộc kháng chiến chống Mỹ, với phong trào cộng sản thế giới.
Còn về việc riêng của mình, Bác chỉ nói hết sức ngắn gọn, nhưng tựu trung lại vẫn là tình yêu nước, thương dân: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Đến đây, xin mượn lời thơ trong bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu viết trong hoàn cảnh khi ấy Bác vừa qua đời, cả nước đau thương để bày tỏ tình yêu và sự biết ơn vô hạn đối với công lao và những đóng góp to lớn cho nhân dân, cho đất nước của Bác:
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Kỷ niệm 78 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và 54 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhớ đến công ơn và những tư tưởng vĩ đại của Người đã cùng với Đảng ta lèo lái con thuyền cách mạng đi đến bến bờ của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.
|
Hôm nay, trong ngày Tết Độc lập, nhà nhà, người người trên khắp mọi miền đất nước tổ chức các hoạt động chào mừng ngày lễ trong không khí vui tươi, phấn khởi nhưng không quên tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bác Hồ, nhớ đến những lời Bác dạy. Trong mỗi cơ quan, đơn vị hay những nếp nhà, di ảnh, bàn thờ Bác Hồ luôn được sửa sang đẹp đẽ, trang nghiêm. Nhiều gia đình còn chuẩn bị mâm cơm đặt lên bàn thờ để thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến Bác.
Ghi nhớ công ơn của Bác, mỗi người Việt Nam càng nỗ lực, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Sông Côn