Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh (CCB) vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiên phong trong các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ
CCB U Hơn (sinh năm 1950) ở thôn 4, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy được xem là người mẫu mực ở địa phương bởi không chỉ gương mẫu thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Ông U Hơn nhập ngũ năm 1968, công tác ở Tiểu đoàn 304 thuộc Tỉnh đội Kon Tum, đóng quân tại xã Đăk Ui, huyện H16, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Kon Tum từ năm 1968-1975 và tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Tháng 7/1981, ông xuất ngũ trở về địa phương, đến năm 1982, tham gia làm cán bộ xã, giữ các chức vụ: Trưởng ban kiểm tra Đảng, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2000-2005, Phó Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2005-2010; từ 2010 giữ các chức vụ: Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đến khi nghỉ hưu vào năm 2016. Dù ở cương vị nào, ông cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
Sau khi về hưu, ông U Hơn vẫn luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên được gặp ông U Hơn là trong chuyến “Hành trình về nguồn” tại Khu di tích lịch sử cách mạng căn cứ Huyện ủy H16 (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) do Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức vào ngày 21/12/2022. Trong hành trình về nguồn lần đó, tôi cùng hơn 80 đoàn viên thanh niên được nghe ông U Hơn kể truyền thống lịch sử căn cứ H16.
Qua lời kể của ông U Hơn, căn cứ Huyện ủy H16 chính là biểu tượng tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường của quân và dân nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân nơi đây đã kiên cường, nuôi giấu và đem hết của cải của mình phục vụ cho bộ đội xây dựng căn cứ cách mạng; vừa tham gia chiến đấu vừa tăng gia sản xuất, nhân dân ăn rau củ thay cơm, lúa gạo dành hết cho bộ đội.
Xã Đăk Kôi cũng chính là quê hương của người anh hùng U Re, người đã lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống Mỹ, được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau câu chuyện của ông U Hơn, đoàn viên thanh niên, ai ai cũng cảm thấu, hiểu hơn về những hy sinh to lớn của cha ông đi trước. Anh A Gia (ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) thành viên trong đoàn cho biết, được nghe và tìm hiểu về lịch sử khu căn cứ H16, anh càng hiểu thêm sự kiên cường, hi sinh của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành lấy hòa bình Tổ quốc, độc lập cho dân tộc.
“Được sinh ra ở thời bình, là người con của núi rừng Tây Nguyên, tôi phải tu dưỡng, sống có ích, cống hiến sức trẻ góp phần vào bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp” - anh A Gia chia sẻ.
Gương mẫu, làm kinh tế giỏi
Đến xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) hỏi về CCB Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại Thành Thoa hầu như ai cũng biết. Ông là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình cũng như giúp đỡ bà con tại địa phương vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1962) sinh ra vào lớn lên tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đến sinh sống và lập nghiệp tại thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi vào năm 1990. Khi ấy, gần như chỉ có hai bàn tay trắng, đối mặt vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí của một người lính Cụ Hồ, ông đã quyết tâm khai hoang, phục hóa, tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức trong lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
|
Ông Thành chia sẻ, trang trại của gia đình ông có diện tích khoảng 10ha, trước đây vốn là bãi mìn, cỏ dại um tùm. Thời gian đầu lập nghiệp, từng là lính trinh sát tại chiến trường Campuchia, bằng kinh nghiệm đó, ông đã xin địa phương tự rà phá, cải tạo đất để trồng trọt. Với sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ lực lượng công binh, mảnh đất được làm “sạch” hoàn toàn, ông đã bắt tay vào cải tạo đất và đầu tư trồng trọt, đào ao nuôi cá.
Qua nhiều năm miệt mài, hăng say lao động, tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, đến nay, ông Thành đã xây dựng thành công mô hình trang trại “vườn, ao, chuồng” với 7,5ha cà phê, 1ha cây ăn quả, 1,5ha ao nuôi cá, ba ba, ốc nhồi và hệ thống chuồng trại nuôi heo khép kín với quy mô 90 con heo nái. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 2 tỷ đồng; tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thành còn giúp đỡ một số hộ hội viên CCB và các hộ khó khăn tại địa phương bằng cách thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong trông trọt, chăn nuôi và giúp đỡ cây, con giống, cho mượn vốn để đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào yêu nước của địa phương. Trong đó, ông đã ủng hộ 20 triệu đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19 xã Đăk Xú vào năm 2022 và ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa hộ nông dân nghèo của xã vào năm 2023. Những đóng góp này đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Trong ngôi nhà mới khang trang, trên tường là những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận về những đóng góp của mình, ông Thành vui vẻ chia sẻ: Bản thân tôi mong muốn sau này có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để giúp đỡ bà con nhân dân trong cuộc sống, góp một phần sức lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương mình ngày càng vững mạnh.
Giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Hội CCB tỉnh hiện có 112 tổ chức hội cơ sở với hơn 18.300 hội viên. Giữ vững và phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, hội viên CCB trong tỉnh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung ở địa phương.
Trong đó, nòng cốt là phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh phát động, tích cực triển khai sâu rộng và được hội viên CCB nhiệt tình hưởng ứng thực hiện.
Chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, riêng trong năm 2023, hội viên CCB toàn tỉnh đã hiến 3.409m2 đất, ủng hộ 153 triệu đồng, đóng góp 5.147 ngày công tham gia làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình công cộng. Hội viên CCB tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; duy trì hoạt động 157 tổ CCB tự quản về an toàn giao thông, 236 tổ CCB tự quản về an ninh trật tự, 509 tổ xung kích, với hơn 5.300 hội viên tham gia.
Để hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Trong đó tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên của địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao với các mô hình như: Trồng cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh, sâm dây; nuôi lươn không bùn, dê, bò, heo thương phẩm; đa dạng các mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh tổng hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tỷ lệ hội viên có kinh tế giàu, khá, trung bình chiếm 86,4%. Trong năm 2023, từ nhiều nguồn xã hội hóa, kết hợp sự giúp đỡ hỗ trợ tiền và ngày công của các hội viên đã xóa được 31 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ hội viên nghèo, khó khăn.
Ông Võ Thanh Chín - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Những đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên CCB đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua; giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực, cố gắng không chỉ hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ mà còn chủ động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đặc biệt tiếp tục gìn giữ truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ./.
Nêl Êban