Khắc phục bệnh hình thức
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn phê phán căn bệnh hình thức chủ nghĩa. Có nhiều câu chuyện về việc Người phê phán căn bệnh này được kể lại, để mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đó và học hỏi, nhắc nhở bản thân mình.
Năm 1946, trở về nước sau chuyến thăm nước Pháp, Bác Hồ đã ghé thăm Hải Phòng. Ngày làm việc của Bác trên “đất cảng” bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chưa đến 5 giờ, trời còn tối, Bác đã dậy. Khi có hồi còi vang lên, Bác hỏi là còi gì?, đồng chí Vũ Quốc Uy thưa: Còi đánh thức thanh niên và nhân dân dậy tập thể dục. Bác bảo đưa Bác đi thăm một vài nơi trong thành phố.
Đề nghị của Bác khá đột ngột, nên mọi người rất lúng túng, vì thành phố trong điều kiện quân Pháp còn đóng “xen kẽ”, bọn tay sai phản động còn lẩn khuất đó đây. Nhưng rồi mọi người đã bố trí xe “bí mật” đưa Bác đi thăm một số phố Hải Phòng. Sau nửa giờ đoàn xe trở về, Bác ôn tồn nói với đồng chí Vũ Quốc Uy: “Các chú kéo còi cho người ta dậy tập thể dục, nhưng ít người ra tập quá, thế là mắc bệnh hình thức. Và lại kéo còi quá sớm trong lúc nhiều người đang ngủ là làm phiền cho nhân dân, điều này các chú nên tránh”.
|
Hay lần Bác về thăm quê hương vào năm 1961. Khi Bác vừa xuống máy bay ở Vinh, các vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An ra đón và mời Bác lên một chiếc xe ô tô kết hoa đợi sẵn ngoài cổng. Bác nhìn một lượt xung quanh, rồi bất ngờ tiến đến chiếc xe của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, rồi bảo các chiến sĩ bảo vệ tháo tấm bạt để Bác vẫy chào đồng bào đang đứng đón ở hai bên đường.
Khi về đến nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An, Bác không đi vào khu vực tỉnh chuẩn bị đón mà đi thẳng xuống nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác tự tay nâng mấy chiếc lồng bàn lên xem. Nhìn thấy trong mâm có cơm trắng và các món ăn thịnh soạn, Bác quay sang hỏi ông Võ Thúc Đồng (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ): “Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ?”. Bí thư Tỉnh ủy thưa: “Thưa Bác, hôm nay Bác về thăm quê nên cơ quan quyết định cho anh em được cải thiện, ngày thường không có đâu ạ”.
Đến giờ ăn, Bác đem gói cơm độn ngô mà Người mang theo đem ra dùng, sau đó mới ăn cơm trắng do tỉnh chuẩn bị. Trong bữa ăn, Bác khen tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc ngon và ăn rất ngon miệng với hai món đặc sản quê hương.
Có rất nhiều câu chuyện kể về việc Bác Hồ lên án bệnh hình thức. Hai trong số những câu chuyện kể trên nhắc nhở mỗi người chúng ta, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên là khi áp dụng các chủ trương, chính sách gì phải căn cứ vào tình hình thực tế, báo cáo thực tế, tránh phô trương hình thức, chạy theo thành tích, lấy lòng lãnh đạo, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc kém, lãng phí tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân.
|
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe người này, người kia nói về một ai đó “mắc bệnh” hình thức. Hình thức ở đây được hiểu là chỉ trau chuốt vẻ bề ngoài, không chú trọng về nội dung. Còn “mắc bệnh” hình thức thì chắc chắn cấp độ còn nặng hơn.
Ví dụ như gia đình ông A mà tôi biết, vì “mắc bệnh” hình thức nên làm việc gì cũng phô trương, không tính toán, cứ thế vay mượn, chi tiêu phung phí, để rồi sau mỗi đám tiệc gì lại phải quần quật lo trả nợ.
Điều đọng lại trong mỗi con người qua giao tiếp, ứng xử không phải là vẻ bề ngoài hào nhoáng, mà cốt lõi là ở tư cách, đạo đức, là chất lượng và hiệu quả công việc mang lại. Như ông bà xưa đã đúc kết “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, có nghĩa là đánh giá một người không thể “nhìn mặt bắt hình dong”.
Trong công việc nhà nước, bệnh hình thức gắn với bệnh thành tích. Làm việc gì cũng muốn phô trương, chạy theo thành tích, để mong được cấp trên “để mắt” đến, sau đó có cơ hội thăng quan tiến chức. Việc chạy theo thành tích dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, đó là chất lượng công việc kém; là sự ỷ lại, sự chây ì trong việc nâng cao ý thức học tập, trình độ năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; là sự suy đồi về đạo đức, dẫn đến các tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ" thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thuộc 3 nhóm: Tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong đó chỉ rõ, 1 trong 9 biểu hiện của nhóm đạo đức, lối sống là “mắc bệnh thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.
Khắc phục căn bệnh hình thức là một trong những việc cần làm ngay nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Giải pháp quan trọng được Đảng ta đặt ra là tăng cường đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức.
Trong đó chú trọng xây dựng chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với nhân dân; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp.
Sông Côn