Bác Hồ với khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khát vọng độc lập luôn luôn gắn liền ý chí thống nhất toàn vẹn của quốc gia, dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất của nước Việt Nam.
Tuy nhiên từ ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam hòng xóa bỏ nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ. Chúng còn mưu mô chia cắt nước Việt Nam khi sử dụng thế lực tay sai để lập ra các xứ tự trị, mưu toan tách Nam bộ ra khỏi nước Việt Nam. Trước khi rời Hà Nội sang thăm nước Pháp, ngày 31/5/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Nam bộ nêu rõ: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Ngày 28/4/1956, quân Pháp rút khỏi miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm đứng đầu, với sự chỉ đạo của Mỹ, đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam và thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.
|
Trong tình hình phức tạp như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ ý chí đấu tranh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết (16/12/1954), Bác nhấn mạnh: “Nhân dân ta cần phải cố gắng, nhất là bộ đội ta cần phải cố gắng rất nhiều nữa để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta”. Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao lập trường hòa bình, kiên trì đấu tranh theo tinh thần của Hiệp định Genève 1954, để đi đến hiệp thương tổng tuyển cử hòa bình thống nhất Tổ quốc. Lập trường đó đã không được Mỹ và chính quyền Sài Gòn đáp lại. Họ không những phá hoại có hệ thống Hiệp định Genève, mà còn thẳng tay đàn áp nhân dân yêu nước ở miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn bạo.
Trong hoàn cảnh đó, không còn con đường nào khác, nhân dân toàn miền Nam phải đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền sống, và cũng là thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất đất nước. Năm 1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã quyết định đường lối cách mạng ở miền Nam, mở ra thời kỳ đấu tranh mới, phát triển đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị để đánh đổ sự thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã kiên cường tiến hành chiến tranh cách mạng, làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1961-1965).
Tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, chiến sĩ miền Bắc: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt” để hoàn thành sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước.
Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam từ ngày 8/3/1965, phát động cuộc chiến tranh cục bộ, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong bối cảnh cam go như vậy, trong lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris từ ngày 13/5/1968. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra trong cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Trong bài thơ chúc tết năm Kỷ Dậu (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu động viên lực lượng của toàn dân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đặc biệt, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và động viên toàn dân mang hết tinh thần và lực lượng để giành thắng lợi hoàn toàn. Lời động viên của Bác đã giúp toàn quân, toàn dân ta liên tiếp có được các chiến thắng trên nhiều mặt trận, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Sau Hiệp định Paris, ngày 29/3/1973, quân Mỹ đã rút hết về nước. Tuy nhiên, thực tế, phía Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vẻ vang thể hiện khát vọng, ý chí của dân tộc. Đó là thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức sống bền vững và trí tuệ, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. 20 năm sau ngày kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuốn sách Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (năm 1995) đã tổng kết và nêu rõ 11 nguyên nhân Mỹ gây ra thảm họa và thất bại ở Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân thứ 3 có nêu: “Chúng ta (Mỹ) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc có được tới ngày nay là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh to lớn của nhân dân và toàn dân tộc nên trở thành điều thiêng liêng, cao cả trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước trở thành sức mạnh và tài sản vô giá của dân tộc và con người Việt Nam. Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa xuân 1975 để mỗi người Việt Nam ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.
Theo SGGPO