Ya Book: Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray - Di sản thiên nhiên ASEAN không chỉ nổi tiếng với sự đa dạng sinh học cao, nhiều cảnh quan thiên đẹp như các thác nước, hang động... mà còn có đồng cỏ tự nhiên rộng trên 10.000ha ở Ya Book- nơi sinh trưởng của nhiều loài động vật, nhất là thú móng guốc. Đây được xem như “thảo cầm viên” thiên tạo hiếm có và còn là nơi lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử, có thể khai thác để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Từ “thảo cầm viên” thiên tạo
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước đây, khi tham gia tuần tra, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tôi từng nghe nói nhiều về đồng cỏ Ya Book rộng lớn có nhiều bò tót, bò rừng, nai, sơn dương, mang... trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Và trong một lần khi tham gia tuần tra, tôi được cán bộ kiểm lâm chỉ xem đàn bò tót đi từ hướng Ya Book ra khu vực đồi Sạc Ly và ngược lại.
Tuy nhiên, ngày đó do đeo đuổi những công việc thời sự khác, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về Ya Book - “thảo cầm viên” thiên tạo lớn này.
Mới đây, khi nghe tin Vườn Quốc gia Chư Mom Ray lập tờ trình xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng Dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, trong đó có đặt vấn đề đến tuyến du lịch cảnh quan tại khu vực Ya Book, tôi liền tranh thủ gặp một số cán bộ Vườn để định vị một số điểm trên bản đồ và đi thực tế để trải nghiệm.
|
Mùa mưa, đồng cỏ Ya Book xanh tốt. Cỏ nhiều nơi cao ngang ngực người. Đồng cỏ tự nhiên, cây rừng xen lẫn. Không gian tĩnh lặng, dọc theo các con suối nhỏ trong đồng cỏ, tiếng ếch nhái kêu oang oang. Đứng cạnh một gốc cây bằng lăng, dõi mắt vào trảng cỏ xa xa, tôi nghe “xẹc” bóng dáng hai con nai đang đuổi nhau chạy nhanh như tia chớp và mất hút trong rừng.
Ở khu vực Tỉnh lộ 675 đi qua Ya Book, trên lùm cây bụi trong đồng cỏ, tôi thấy con gà trống rừng màu lông sặc sỡ đang ngó nghiêng. Tuy nhiên, tôi không kịp ghi lại hình ảnh vì chúng thấy người liền lẩn mất sau các lùm cây bụi. Dọc theo các trảng cỏ trước đây từng là bãi thú, có nhiều phân thú rừng rơi vãi, phân hủy trong cỏ. Đây đó trong đồng cỏ là vạt rừng bằng lăng trông thật đẹp mắt và có những cây gỗ quý như hương, cẩm lai... tự nhiên.
Nhìn ra xa xa trong khu vực đồng cỏ, gần các rừng cây lá rộng thường xanh, nghe văng vẳng tiếng vượn hú gọi bầy, tiếng chim gù gọi bạn... Có lẽ loài vượn, loài chim đánh động nhau khi thấy hơi người.
Các vạt rừng hay các loại cây rừng xen trong đồng cỏ còn là nơi để nhiều loài thú nghỉ ngơi và tránh nắng mưa. Những năm trước đây, các nhà khoa học khi nghiên cứu về Chư Mom Ray cho biết, khu vực đồng cỏ Ya Book có khả năng còn có cả bò xám- một động vật vô cùng quý hiếm.
Cũng trong những năm đó, khi đến các đồn biên phòng công tác, chúng tôi thường nghe các anh bộ đội Biên phòng kể về việc hổ thường lẻn đến bắt heo nuôi trong đồn. Tuy nhiên, kể từ khi các tuyến đường giao thông qua Ya Book, Mô Rai được đầu tư nâng cấp, cùng với các đơn vị vào đây phát triển kinh tế, không ai còn thấy hổ hoạt động nữa. Có ý kiến cho rằng, có lẽ hổ di chuyển sang Vườn Quốc gia Vinachay (Campuchia) kế cận.
Nói về động vật, ông Đào Xuân Thủy – Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết, các kết quả nghiên cứu thống kê được ở Vườn có 950 loài, thuộc 44 bộ, 155 họ và 610 chi. Trong đó, có 120 loài thú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt và 365 loài côn trùng. Đặc biệt, Chư Mom Ray có 176 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Các loài động vật quý hiếm như: Voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai... từng có nhiều ở Ya Book.
Đặc biệt, dưới các con suối trong khu vực đồng cỏ Ya Book còn có nhiều loài cá cổ lạ, đẹp, nhưng người dân không ai rõ tên cá là gì. Nhìn hình ảnh các loài cá này, tôi cũng chưa từng gặp bao giờ.
Với sự đa dạng các loài động vật, Ya Book được xem như “thảo cầm viên” thiên tạo hay “ngôi nhà” chung của nhiều loài động vật.
Đến các chứng tích lịch sử
Đặc biệt, khu vực Ya Book là nơi được huyện cưu mang người dân Campuchia tỵ nạn. Thầy giáo Mai Xuân Lượt (thôn Nhơn Khánh, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) từng dạy học ở Ya Book kể: Năm 1979, tôi được Ban Giáo dục huyện phân về dạy con em người dân Campuchia. Hồi đó, Ya Book là một xã, chủ yếu là người Campuchia xin tỵ nạn. Trong số làng dân xin tỵ nạn, có 5 làng ở xã Ya Book và 4 làng ở xã Mô Ray. Bình quân mỗi làng có khoảng vài chục hộ dân. Học sinh từ 2 – 3 làng gộp lại 1 lớp và có 4 lớp như thế.
|
Với tấm lòng bao dung, không phân biệt, các thầy cô đem hết tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các em. Chính vì vậy, các em học sinh và phụ huynh quý mến các thầy cô. “Những năm tháng đó, khu vực Ya Book có rất nhiều thú rừng và chính quyền không ngăn cấm việc bẫy bắt động vật rừng như bây giờ. Chính vì vậy, người dân Campuchia đi làm rẫy hay bẫy bắt được thú rừng thường chia cho các thầy cô. Thịt thú rừng trở thành nguồn thực phẩm quan trọng của các thầy cô và người dân. Tình cảm giữa thầy trò và người dân nơi đây khá sâu đậm. Hiện nay, tôi còn giữ nhiều kỷ vật của các em học sinh và người dân Campuchia”- thầy Lượt bồi hồi chia sẻ.
Theo Giám đốc Đào Xuân Thủy, Lịch sử Đảng bộ huyện Sa Thầy (tập II, trang 26) có ghi: Ngoài dân số của huyện, còn có 206 người dân của nước Lào và 1.683 người dân Campuchia sinh sống tỵ nạn chính trị trên đất của huyện. Các chứng tích về một số làng người dân Campuchia tỵ nạn hiện vẫn còn.
Bên cạnh đó, Lịch sử Đảng bộ tỉnh, tập I (1930 - 1975), trang 330 có nói: “Vào giữa năm 1964, Bộ Tư lệnh tiền phương Mặt trận Tây Nguyên đặt ở H67 Kon Tum, vùng xã Mô Ray biên giới hiểm trở, trở thành tổng kho chuyên chở hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc điều tra, xác định và lập lại các chứng tích khu tỵ nạn ở Ya Book, Mô Ray để vun đắp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam – Campuchia và tố cáo tội ác của Pôn Pốt; đồng thời lập chứng tích Bộ Tư lệnh tiền phương Mặt trận Tây Nguyên ở xã Mô Ray để giáo dục truyền thống cách mạng gắn với phát triển du lịch là việc nên làm, không để tiềm năng du lịch Ya Book bỏ ngỏ!
Vĩ thanh
Trong việc khai thác tiềm năng du lịch và bảo vệ nơi sinh tồn các loài động vật sinh sống trong đồng cỏ, các chuyên gia cho rằng, còn gì bằng việc thành lập khu cứu hộ các loài động vật, nhất là các loài thú móng guốc sinh sống trong đồng cỏ Ya Book; đồng thời xây dựng Thảo cầm viên Ya Book (khoảng vài trăm ha) để giới thiệu với khách tham quan các loài thú sinh sống trong đồng cỏ tự nhiên.
Với tầm nhìn xa, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm khẳng định, nếu xây dựng được Thảo cầm viên Ya Book và cùng với các chứng tích lịch sử, các thắng cảnh tự nhiên trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray... thì nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút du khách trong tương lai.
Văn Nhiên