Vỏ bầu khô - Vật dụng độc đáo của đồng bào Ba Na
Vỏ bầu khô là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum. Vỏ bầu to người dân dùng để đựng nước uống, đựng cháo mang đi làm rẫy hay cất giữ hạt giống; vỏ bầu nhỏ được cắt ra làm muỗng múc canh, múc rượu hay đơn giản là kết thành chiếc chuông gió trang trí trước cửa nhà…
Chiều muộn, khi chúng tôi đến làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) thì bà con nơi đây cũng bắt đầu đi rẫy về. Đã thành thói quen, nhiều phụ nữ thường ghé giọt nước của làng rửa chân tay rồi lấy nước về nấu cơm. Nước được phụ nữ đựng trong những vỏ bầu, cho vào gùi rồi mang về nhà.
Bà Y Mai ở làng Kon Jơ Dri cho biết: Vỏ bầu khô là vật dụng thân thuộc trong đời sống của đồng bào Ba Na trước đây. Vỏ bầu khô thường được người dân dùng để chứa nước lấy từ giọt mang về nhà; đựng nước, đựng cháo khi đi làm rẫy; những người khéo tay còn biết chế tác vỏ bầu kết hợp với các nguyên liệu khác thành các loại nhạc cụ… Giờ tuy ít được sử dụng hơn, nhưng một số gia đình vẫn dùng vỏ bầu để đựng nước mang đi làm, đựng rượu đãi khách hay để trưng bày cho đẹp.
Ngày xưa, đồng bào Ba Na chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy. Sau mùa gieo trồng lúa rẫy, vào khoảng cuối tháng 5, người dân thường trồng thêm các loại bầu, bí, dưa, trong đó có cả loại bầu lấy trái làm vỏ bầu khô (loại bầu hồ lô).
Từ vụ thu hoạch trước, người dân đã chọn những trái bầu già, to, đẹp để lấy hạt giống. Sau khi công việc trỉa lúa xong xuôi, họ sẽ mang giống bầu gieo ở xung quanh rẫy hay những chỗ đất trống. Cây bầu cứ thế phát triển chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì cả.
Đến tháng 11 - 12, những quả bầu chín già, vỏ chuyển sang màu vàng óng, đủ độ cứng để có thể tạo ra vỏ bầu khô. Sau khi thu hoạch xong các loại nông sản, người dân sẽ cắt những trái bầu này mang về nhà.
Công đoạn để biến những quả bầu thành các vỏ bầu khô độc đáo, người dân phải mất khá nhiều ngày, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Già A Mơ ở làng Kon Jơ Dri kể: Sau khi thu hoạch bầu, đầu tiên, người ta dùng một chiếc dao cắt cuống quả bầu để tạo miệng. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải khéo léo, dao cắt phải bén để không làm nứt, sứt mẻ sản phẩm. Thông thường, miệng của trái bầu được tạo từ chính cuống, nhưng có khi người ta tạo miệng bên cạnh cuống, chếch về một bên. Để tạo thêm vẻ đẹp cho vỏ bầu, có người còn khắc lên vỏ các hoa văn. Sau đó, bà con sẽ mang ra phơi nắng hoặc gác lên gác bếp mấy ngày rồi mới lấy xuống đem ngâm trong bùn từ 10 đến 15 ngày cho ruột bầu thối rữa. Khi ruột đã phân hủy, người dân mới lấy lên mang đi súc rửa cho sạch.
Tiếp đến, họ sẽ dùng một loại quả rừng có tên là Ngeng (theo tiếng Ba Na) bỏ vào trong bụng quả bầu, đem ngâm thêm khoảng 2 tuần nữa rồi lấy lên súc lại cho thật sạch. Trái Ngeng có tác dụng khử mùi và làm sạch hết phần ruột bên trong, lúc này trái bầu chỉ còn lại vỏ. Đem vỏ bầu đi phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó người dân mới tạo màu cho vỏ bầu.
Muốn vỏ quả bầu có độ bóng và có màu đen nhánh, bà con lấy loại lá rừng có tên là Hla Neng hay Latang vò nát chà lên và mang gác lên gác bếp, khi nào dùng đến thì lấy xuống rửa lại cho sạch. Quá trình ngâm bùn và gác bếp sẽ giúp cho vỏ bầu khô cứng, không bao giờ bị mối, mọt ăn, không bị thấm nước và bền hơn. Một chiếc vỏ bầu khô nếu dùng cẩn thận khoảng từ 3 đến 4 năm mới hỏng.
Trước đây, trong các gia đình đồng bào Ba Na thường có vài chục chiếc vỏ bầu khô để dùng hàng ngày; trên bếp cất trữ thêm vài chục chiếc nữa để dành dùng dần với đủ kích cỡ, kiểu dáng như tròn, bầu dục, nhưng phổ biến nhất là loại có dạng hình hồ lô.
Vỏ bầu khô góp mặt trong rất nhiều sinh hoạt của các gia đình Ba Na. Nếu như loại to được để trong góc bếp đựng nước uống cho cả nhà thì loại nhỏ hơn thường để phụ nữ mang đi lấy nước ở giọt về hay đựng nước, cháo lúc đi rẫy...
Vỏ bầu nào dùng cho việc ấy, chứ không đựng lộn xộn. Có khi, người ta cắt quả bầu ra làm thành những chiếc gáo múc nước, muỗng múc canh, múc rượu và cả những chiếc phễu.... Ngày xưa, công việc đầu tiên trong ngày của người phụ nữ sau khi thức dậy là xếp các quả bầu khô vào trong gùi rồi ra giọt lấy nước mang về nấu cơm cho cả nhà ăn và mang theo lên rẫy.
Theo người dân, nước đựng trong vỏ bầu khô có vị rất đặc biệt không giống như đựng trong chai, can nhựa. Nhất là, đựng nước trong vỏ bầu mát lạnh cả ngày ngay cả khi để ngoài trời nắng vì vỏ bầu dày và không hấp thụ nhiệt nên rất thích hợp để mang đi rẫy. Sau khi lao động mệt nhọc, uống một ngụm nước hay húp miếng cháo đựng trong vỏ bầu, mọi người đều thấy sảng khoái, không chỉ được bù đắp năng lượng bị mất mà còn cảm nhận được mùi vị rất riêng từ quả bầu.
|
|
Cũng theo già A Mơ, vỏ bầu khô còn được dùng để đựng rượu đãi khách hay đựng rượu, tiết gà trong những lễ cúng mừng lúa mới, trỉa lúa... Ngoài ra, vỏ bầu khô còn được sử dụng để đựng các loại hạt giống quý như lúa, bắp, hạt mè, hạt bí… Để bảo vệ cho vỏ bầu tránh va đập và thuận tiện khi mang vác đi xa, nhiều người còn cẩn thận dùng dây rừng đan, kết tạo vỏ bọc bên ngoài. Thậm chí, ngay cả những vỏ bầu khô bị thủng, vẫn được người dân tận dụng làm đầu hình nộm để đuổi chim trên các cánh đồng, làm đồ chơi cho con trẻ…
Một trong những điểm độc đáo mà ít ai biết là ngày xưa, một số phụ nữ người Ba Na sau khi sinh, thường lấy quả bầu khô đựng thêm chút nước lăn trên bụng, làm liên tục trong khoảng 1 tuần sẽ giúp đẩy hết những chất độc trong cơ thể ra. Có lẽ vì thế mà bầu khô là loại vật dụng độc đáo, hữu ích gắn bó chặt chẽ trong đời sống của đồng bào Ba Na từ nhiều đời nay.
Hiện nay, cùng với quá trình phát triển sản xuất, con người đã chế tác ra các loại vật dụng bằng chất liệu khác nhau, rất đa dạng và tiện dụng, vì vậy người dân cũng ít trồng loại bầu hồ lô để sử dụng vỏ bầu khô làm dụng cụ sinh hoạt. Dẫu vậy, với đặc tính riêng vốn có và như là một nét đẹp văn hóa truyền thống, vỏ bầu khô vẫn có chỗ đứng rất đặc biệt trong đời sống sinh hoạt của người Ba Na.
THÙY HƯƠNG