Ngọc Yêu - vùng đất hiếu học
Truyền thống hiếu học ở Ngọc Yêu được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ hồi còn chiến tranh cho đến tận bây giờ. Người dân nơi đây nhận thức được việc học tập để tiếp nhận tri thức là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với tương lai con em, nên dù khó khăn người dân nơi đây vẫn tạo điều kiện và thường xuyên khuyến khích, động viên con em mình tích cực học tập.
Có 8 thôn, với gần 100% số dân là người đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Ngọc Yêu là xã vùng sâu, điều kiện kinh tế - xã hội được xếp vào diện khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông, nhưng nơi đây được biết đến là vùng đất có truyền thống hiếu học dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ.
20 năm công tác ở Kon Tum, là nhà báo, tôi có may mắn được đi khắp nơi trong tỉnh và nhận thấy, vì điều kiện của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên chưa thật sự quan tâm đến việc học hành của con em. Học sinh bỏ học giữa chừng, không đi học chuyên cần là chuyện không còn cá biệt ở những nơi này. Nhưng với Ngọc Yêu thì hoàn toàn ngược lại. Truyền thống hiếu học ở Ngọc Yêu được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ hồi còn chiến tranh cho đến tận bây giờ.
Thầy Hoàng Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu chia sẻ: Với nhiều xã khác ở vùng sâu, vùng xa, việc duy trì sĩ số là “bài toán” nan giải, nhưng ở Ngọc Yêu thì không phải lo. Ở ngôi trường của chúng tôi, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hàng năm luôn đạt từ 99%-100%. Học sinh chỉ nghỉ học một hai buổi khi bị đau ốm, bằng không các em vẫn cố gắng đến lớp, dẫu đời sống còn khó khăn, vất vả. Đó là điều đáng trân trọng với bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở mảnh đất Ngọc Yêu này.
|
Để có được điều nêu trên, ngoài ý thức ham học của con em đồng bào Xơ Đăng nơi đây, phải kể đến sự tận tụy của đội ngũ thầy cô giáo đang ngày đêm âm thầm “gieo chữ” nơi đây. Hàng ngày, họ bám làng, tận tụy truyền đạt kiến thức ươm mầm cho thế hệ tương lai. Cứ thế, bằng sự kiên trì, nhẫn nại, những thầy cô giáo ở Ngọc Yêu lặn lội đến từng thôn làng, gõ cửa từng nóc nhà khuyên nhủ, động viên các em học sinh tích cực học tập. Cũng nhờ đó mà các trường học ở Ngọc Yêu có tỷ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện Tu Mơ Rông.
Chúng tôi thực sự ấn tượng với cách mà thầy cô giáo đang làm để thúc đẩy, phát huy truyền thống hiếu học của học sinh nơi đây.
Theo thầy Võ Văn Cương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu (người đã có 15 năm dạy học ở Ngọc Yêu), để khuyến khích các em học sinh thi đua học tập, hàng tháng, nhà trường đều gửi thống kê về thành tích, kết quả học tập của các em về từng nhà để phụ huynh biết, kịp thời động viên, khuyến khích với những em học tốt, hay nhắc nhở những em còn lười học, thành tích không cao. Đồng thời, nhà trường gửi cho thôn trưởng để khi tổ chức họp dân nêu lên thành tích, biểu dương các học sinh có thành tích tốt nhằm động viên, khuyến khích các em thi đua học tập. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo thêm động lực khích lệ tinh thần, từ đó các em học sinh hào hứng thi đua học tập và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Vì vậy, có nhiều gia đình ở Ngọc Yêu dẫu hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng họ vẫn không để con em mình phải bỏ học.
Đơn cử như trường hợp của 2 anh em A Khuôn (lớp 7) và A Khuyến (lớp 9) ở làng Ba Tu 1, là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu. Nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ các em là chị Y Tiến một mình phải tần tảo làm lụng để nuôi mẹ già và 2 con ăn học. Khó khăn là vậy, nhiều khi A Khuyến và A Khuôn có ý định bỏ học, nhưng chị Y Tiến không cho các em nghỉ học, lại thêm sự động viên, hỗ trợ của thầy cô giáo nên 2 em vẫn đến trường đều đặn. Ngoài thời gian học, những lúc rảnh rỗi, A Khuyến và A Khuôn lại lên rẫy đỡ đần cho mẹ.
Em A Khuyến tâm sự: Nhà em nghèo, biết mẹ vất vả nuôi chúng em ăn học nên em sẽ cố gắng học tập để không phụ công mẹ và để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Theo thống kê của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Yêu thì từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Ngọc Yêu có 63 em tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 9 em theo học tại các trường trung cấp, 23 em đang học tại các trường đại học và cao đẳng.
Như gia đình ông A Khê (ở thôn Ba Tu 3) có 2 người con trai là A Uông (18 tuổi) và A Uyên (21 tuổi) đều đang theo học. Người con lớn A Uyên đang học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, còn người con nhỏ A Uông đang học lớp 12 Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông.
|
Ông A Khê cho biết: Tôi nhận thấy việc học rất là quan trọng. Học để biết cái chữ, nắm khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống, sản xuất, làm kinh tế giỏi hơn và hiệu quả hơn so với những người không có học. Tôi luôn luôn dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Tương tự, với gia đình ông A Nhẹ (ở thôn Ba Tu 1) có 3 người con là Y Tiếm (19 tuổi), A Tiệm (15 tuổi) và A Tài (10 tuổi) dù gia đình nghèo, nhưng vẫn quyết tâm không để các con bỏ học. Cả 3 người con của A Nhẹ vẫn chịu khó học tập, trong đó người chị lớn Y Tiếm đang học tại Phân hiệu Trường Đại học Đà Nẵng tại tỉnh Kon Tum.
Em Y Tiếm tâm sự: Dù kinh tế gia đình em không khá giả gì, nhưng ba mẹ em rất quan tâm đến việc học của con cái. Ba mẹ luôn động viên và quyết tâm cho 3 chị em ăn học đàng hoàng. Mấy chị em bảo ban nhau cùng cố gắng chăm học, phấn đấu học thật giỏi để không phụ công lao nuôi dạy của ba mẹ. Em nghĩ, nếu học cho thật tốt thì sau này mình sẽ trở thành người có ích cho cộng đồng và cho xã hội.
Nói về truyền thống hiếu học của người dân xã Ngọc Yêu, ông An Văn Sáu - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: So với các xã khác trong tỉnh, người dân Ngọc Yêu rất quan tâm đến việc học hành của con cháu. Đến nay, ở xã có khá nhiều học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Hiện nay, cũng có nhiều người con của vùng đất Ngọc Yêu trưởng thành đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và ở tại xã. Có người còn giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp....
Với đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Ngọc Yêu, họ nhận thức được việc học tập để tiếp nhận tri thức là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với tương lai con em, nên dù khó khăn người dân nơi đây vẫn tạo điều kiện và thường xuyên khuyến khích, động viên con em mình tích cực học tập. Đó là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của đồng bào dân tộc Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh.
Văn Phương