Dân làng Kon Pao mừng nhà rông mới
Nhìn mái nhà rông mới vừa được dựng lại trên một khu đất cao ráo nằm ở giữa làng, già làng A Kle thở phào nhẹ nhõm: Bao đêm không ngủ được, vì cái được xem là văn hóa của làng (tức nhà rông - PV) đã bị mưa bão làm sập. Lo lắng vì dân làng không đủ sức để làm lại nhà rông truyền thống, bởi bây giờ nguyên liệu tự nhiên không dễ để tìm được. Ấy vậy mà, với quyết tâm giữ văn hóa cho làng, nhà rông truyền thống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã nhanh chóng được dựng lại…
Không còn khó khăn như trước đây, đường vào làng Kon Pao (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) bây giờ rất thuận lợi. Từ Quốc lộ 14 đoạn qua địa phận xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) rẽ vào con đường tránh lũ Đăk Psi (dự án được Nhà nước đầu tư mấy năm nay) trải nhựa phẳng lì chừng mươi phút là về đến làng.
Những ngày cuối tháng 10, lúa ở rẫy của bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã chín vàng trên những triền đồi. Xen lẫn những vạt vàng của lúa là những vườn cà phê xanh mướt mới được bà con nơi đây chuyển đổi từ những rẫy mì nằm trải dọc men theo sông Đăk Psi.
Kon Pao hiện ra trước mắt chúng tôi rất đỗi thanh bình. Làng tổ chức khánh thành nhà rông mới kết hợp với ăn cơm mới nên đi từ đầu làng vào đã thấy đường làng ngõ xóm sạch sẽ, lũ trẻ mặc quần áo rất tinh tươm háo hức chạy theo già làng và bố mẹ đến từng nhà ăn cơm mới.
|
Già làng A Kle cho chúng tôi biết: Theo phong tục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây, khi những hạt lúa trên rẫy bắt đầu chín vàng thì dân làng nơi đây lại tổ chức lễ hội ăn cơm mới và đón nia lửa mới vào nhà. Lễ hội được tổ chức dưới góc độ gia đình và cộng đồng làng. Với đồng bào Xơ Đăng nơi đây, nia lửa là biểu tượng cho tinh thần, sức mạnh, sự ấm áp, no đủ của dân làng nên chuẩn bị cho lễ ăn cơm mới, ngay từ ngày hôm trước, đàn ông trong làng đã đi rừng chặt cây tre, lồ ô để dựng cây nêu và đan nia lửa. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên trong ngày thì già làng tập hợp bà con dân làng lại để đến từng nhà ăn cơm mới, trong đó, già làng là người đi đầu mang theo nia lửa. Ăn cơm mới xong, bà con dân làng tập trung về nhà rông dựng cây nêu để ăn cơm mới. Năm nay, làng có nhà rông mới nên không khí lễ hội có phần vui nhộn hơn.
Trong khi già làng A Kle thực hiện nghi lễ văn hóa truyền thống đến từng hộ gia đình thì Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng A Sáo túc trực ở nhà rông để hướng dẫn một nhóm thanh niên nam, nữ quét dọn, trang trí lại bên trong nhà rông và thịt con heo do bà con dân làng đóng góp tiền mua được để chế biến các món ăn mừng nhà rông mới.
|
Anh A Sáo cho biết: Lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng nơi đây là lễ hội ăn lúa mới. Năm nay, lễ hội này được tổ chức lớn hơn vì bà con thống nhất kết hợp làm luôn lễ khánh thành nhà rông mới.
“Tuy khánh thành nhà rông mới nhưng bà con dân làng vẫn quyết định không làm lễ đâm trâu theo đúng văn hóa truyền thống mà giản lược bớt để tiết kiệm cho dân làng. Thay vì thịt trâu, dân làng đóng góp mỗi hộ một ít tiền để mua con heo về chế biến các món ăn. Bên cạnh đó, theo phong tục truyền thống, các gia đình cũng sẽ làm rượu ghè và chế biến các món ăn truyền thống từ thịt chim, thịt chuột, cá suối, rau rừng... do mỗi gia đình kiếm được để mang đến nhà rông mời mọi người cùng thưởng thức” - anh A Sáo tiết lộ.
Kể chuyện dân làng Kon Pao quyết tâm dựng lại nhà rông truyền thống, anh A Sáo tự hào: Tháng 12/2017, nhà rông cũ của làng bị mưa bão làm sập. Bà con dân làng buồn lắm, bởi nhà rông được xem là linh hồn của làng. Qua các cuộc họp thôn, bà con ai cũng ý kiến mong muốn sớm dựng lại nhà rông truyền thống. Nhiều hộ gia đình đã xung phong ủng hộ cây gỗ từ rẫy của gia đình mình để làm cột nhà rông. Phụ nữ thì xung phong đi lấy tranh. Đàn ông thì xung phong đi lấy tre, nứa, lồ ô… Sau 3 tháng chuẩn bị nguyên vật liệu và chỉ trong vòng 29 ngày bắt tay khởi công xây dựng, nhà rông của làng đã hoàn thành theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào Xơ Đăng; mái lợp bằng tranh, cột gỗ, có chiều dài 12,5m, chiều rộng 5,8m, chiều cao 12m và tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Có thể nói đây là công trình của sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân làng Kon Pao bởi ngày nay, việc tìm các nguyên liệu tự nhiên để làm nhà rông không phải dễ - nếu không có sự đóng góp tích cực của từng cá nhân. Hơn nữa, trên thực tế, điều kiện kinh tế của bà con dân làng Kon Pao hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây mì, cây lúa là chính, số ít hộ gia đình mới chuyển đổi trồng được gần chục héc ta cà phê, cao su nhưng cũng chưa đến kỳ thu hoạch.
Anh A Đum ở thôn Kon Pao nói: Việc dựng lại nhà rông mới cho làng là cực kỳ quan trọng nên dù có khó khăn mấy, mỗi gia đình cũng phải đều cố gắng; không có tiền đóng góp thì bà con dân làng cố gắng góp công, góp sức với quyết tâm phải dựng lại được nhà rông.
Mừng nhà rông mới và ăn lúa mới, mấy tuần nay, anh A Đum tranh thủ những ngày không làm nhà rông đi săn con ếch, con nhái, con chim, con chuột về treo gác bếp để đến ngày mang ra chế biến nhiều món ăn truyền thống đem đến nhà rông cùng dân làng uống rượu ghè, chung vui niềm vui lớn.
Dù sức khỏe đã già yếu nhưng nghe tin làng làm nhà rông, ngày nào già A Jun (75 tuổi) cũng đến nhà rông để cùng với già làng A Kle, Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng A Sáo cùng hướng dẫn thanh niên trong làng dựng lại nhà rông. Già A Jun phấn khởi: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bà con dân làng Kon Pao đã dựng lại được nhà rông truyền thống rất đáng tự hào.
Điều phấn khởi hơn là nhà rông mới của làng Kon Pao được dựng lên nền đất mới cao ráo, rộng rãi, thoáng mát hơn nhà rông cũ. “Kết quả này là nhờ 2 hộ gia đình trong thôn là A Hoh và A Tăm đã tự nguyện hiến mảnh đất hơn 700m2 đang trồng bời lời của gia đình mình cho thôn dựng lại nhà rông” - Thôn trưởng A Sáo bày tỏ niềm vui và tự hào.
Chia sẻ về sự đóng góp của gia đình, anh A Hoh cho biết: Để giữ văn hóa truyền thống cho làng và luôn mong muốn dân làng có một nhà rông thoáng mát, rộng rãi để sinh hoạt cộng đồng nên gia đình đã thống nhất ngay việc hiến đất sau khi được chi bộ, ban nhân dân thôn đề xuất…
Nghe già làng A Kle, Thôn trưởng A Sáo và các hộ dân chia sẻ niềm vui; được tận mắt nhìn thấy dân làng Kon Pao cùng tập trung đông đủ tại nhà rông để ăn cơm mới, uống rượu ghè hết sức phấn khởi, càng thấy được ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống và tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng của bà con dân làng nơi đây.
Bài, ảnh: Tú Quyên