• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Đất & Người Kon Tum

Dân làng Kon Braih vui lễ hội Kă Pơ Lêh

05/03/2019 06:17

Theo phong tục truyền thống trước đây và bây giờ đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn (làng), cứ đúng ngày 25 tháng 2 hàng năm - thời điểm chuẩn bị bước vào vụ sản xuất rẫy - bà con dân làng Kon Braih (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) lại tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh (tết làng) dưới góc độ cộng đồng làng.

Khác với mọi ngày, sáng nay, gian bếp của gia đình chị Y Dênh (ở thôn Kon Braih) đỏ lửa từ rất sớm để chế biến các món ăn truyền thống kịp đầu giờ chiều mang lên nhà rông cùng bà con trong làng tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh.

Chị Y Dênh cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội đặc biệt quan trọng trong năm này, ngày hôm trước, chồng chị - anh A Thu phải tranh thủ đi rừng để bẫy chuột, bẫy sóc; còn chị thì cùng chị em phụ nữ trong làng đi rừng để hái lá ming, đọt mây về chế biến các món ăn.

Bà còn dân làng cùng chẻ ống cơm lam cho vào nia để già làng làm lễ cúng thần linh

 

Với lễ hội Kă Pơ Lêh, gia đình chị Y Dênh không thể thiếu các món ăn truyền thống của đồng bào Tơ Đrá (Xơ Đăng) như cơm lam, thịt chuột (hoặc thịt sóc) nấu mè, thịt chuột nấu lá môn, đọt mây nướng, đọt mây luộc… Năm nay, anh A Thu bẫy được gần chục con chuột, con sóc nên chị Y Dênh cố gắng chế biến món ăn với số lượng nhiều hơn để thết đãi bà con dân làng.

Anh A Thu cho biết, con chuột, con sóc sau khi lấy từ rừng về sẽ được làm sạch ruột, thui lông rồi treo ở gác bếp. Hôm sau - đúng ngày diễn ra lễ hội - vợ anh sẽ lấy xuống để chế biến các món ăn.

Từ xa xưa cho đến ngày nay, đồng bào Tơ Đrá ở làng Kon Braih luôn quan niệm, trong lễ hội Kă Pơ Lêh, nếu gia đình nào nấu càng nhiều món ăn truyền thống ngon thì chứng tỏ phụ nữ trong gia đình ấy càng khéo léo, giỏi giang.

Với chị Y Dênh, năm nào cũng vậy, luôn dành nhiều thời gian để chăm chút nấu từng món ăn truyền thống bằng cả tâm huyết của mình nên rất được bà con dân làng khen ngợi.

Theo chị Y Dênh, món ăn truyền thống chế biến kỳ công nhất là thịt chuột hoặc thịt sóc nấu với lá ming. Kỳ công ở đây là để làm ra món ăn này phải tốn nhiều công sức tìm kiếm các nguyên vật liệu; từ việc chịu khó đi bẫy chuột, bẫy sóc, đến việc hái lá ming, đều phải lặn lội vào tận rừng sâu.

Lá ming lấy về rửa sạch rồi mang giã nhuyễn. Thịt chuột, thịt sóc sau lấy về làm sạch ruột, thui lông, bằm nhỏ, ướp muối và bột nêm rồi trộn với lá ming giã nát cho vào ống lồ ô nướng trên bếp than.

Cách nấu món thịt chuột với hạt mè theo chị Y Dênh có phần đơn giản hơn. Hạt mè sau khi hái ở rẫy về rửa sạch, bỏ phần hạt lép, rang sơ qua rồi mang giã nhuyễn. Thịt chuột được cắt thành từng đoạn nhỏ ướp ít muối và bột nêm. Chuẩn bị xong nguyên liệu đâu đó, chỉ cần lấy một ít nước cho vào nồi đun sôi lên rồi cho thịt chuột và hạt mè đã giã nhuyễn vào nấu chín là được.

Cùng với hộ gia đình chị Y Dênh, dạo một vòng quanh làng Kon Braih, chúng tôi nhận thấy gian bếp nhà nào cũng đỏ lửa để nướng cơm lam và các món ăn truyền thống. Nhà có điều kiện khá giả thì chế biến nhiều món ăn hơn, nhà không có điều kiện thì chế biến với số lượng ít hơn, nhưng cơm lam và thịt chuột thì gần như nhà nào cũng có. Bà con Tơ Đrá nơi đây chuẩn bị cho lễ hội Kă Pơ Lêh thật vui vẻ và đầm ấm.

Chị Y Tuyết (thôn Kon Braih) nói trong niềm vui: Hôm nay là tết làng nên nhà nào cũng đều vui vẻ. Ngoài nấu các món ăn truyền thống để mang lên nhà rông, gia đình tôi còn chuẩn bị ghè rượu thật to trước để cúng thần linh, sau để thết đãi dân làng, cầu chúc cho mọi nhà, mọi người có được sức khỏe để chuẩn bị bước vào vụ mùa mới bội thu hơn.

Ông A Téo - bố của chị Y Tuyết là người rất am hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Tơ Đrá cho chúng tôi biết: Với bà con dân làng nơi đây, lễ hội Kă Pơ Lêh mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì trước đây mỗi năm bà con chỉ có một vụ lúa nên đây là thời điểm tổng kết vụ mùa năm cũ nhắc nhở bà con dân làng chuẩn bị tâm thế để bước vào vụ mùa mới. Lễ hội là dịp để bà con dân làng gặp gỡ nhau, chia sẻ cho nhau những thành quả, kinh nghiệm trong sản xuất. Lễ hội cũng gắn kết tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng hơn qua nghi lễ các gia đình cùng chẻ cơm lam trộn chung vào một cái nia sau đó già làng phân chia lại cho từng người. Trong một cái nia cơm với đủ các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo trắng, gạo đỏ lẫn lộn; người này ăn cơm của nhà kia chứ không hẳn là ăn cơm của nhà mình, thể hiện được sự chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ, sự yêu thương, gắn kết với nhau trong một cộng đồng làng…

Mặc dù bận rộn cùng gia đình chuẩn bị các món ăn truyền thống để đầu giờ chiều mang lên nhà rông cùng bà con dân làng tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh, nhưng từ sáng, già làng A Pu và thôn trưởng A Cường đã tranh thủ lên nhà rông để dọn dẹp cho sạch đẹp.

Bên mái nhà rông cao vút của làng, già làng A Pu kể chuyện, với bà con Tơ Đrá ở xã Ngọc Réo nói chung và dân làng Kon Braih nói riêng, lễ hội Kă Pơ Lêh có ý nghĩa rất quan trọng. Lễ hội cầu mong thần linh phù hộ sức khỏe, một mùa vụ mới được mưa thuận, gió hòa để cho bà con có được cuộc sống no đủ. Từ bao đời nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng bà con dân làng Kon Braih vẫn lưu giữ được văn hóa truyền thống này, từ hình thức tổ chức cho đến các nghi lễ và đặc biệt là việc chế biến các món ăn truyền thống.

Phụ nữ làng Kon Braih chuẩn bị các món ăn truyền thống để mang lên nhà rông

 

Già A Pu cho biết, trước kia cũng như hiện nay, lễ hội Kă Pơ Lêh chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày. Buổi sáng, bà con chế biến các món ăn tại gia đình mình, đến đầu giờ chiều mọi người cùng mang thức ăn và rượu ghè lên nhà rông để già làng làm lễ khấn cầu mong thần linh phù hộ cho bà con dân làng có được sức khỏe để bước vào một vụ mùa mới bội thu hơn.

Đúng như lời của già A Téo giới thiệu trước đó, tại lễ hội Kă Pơ Lêh, chúng tôi đã được chứng kiến già làng A Pu thực hiện một nghi lễ hết sức độc đáo và quan trọng đó là ra hiệu cho từng gia đình cùng chẻ ống cơm lam đã được nướng sẵn trước đó cho vào cùng một chiếc nia lớn đặt ở giữa nhà rông để làm lễ khấn thần linh. Sau khi khấn xong, già làng cẩn thận gói từng phần cơm trong chiếc lá vả rồi chia lại cho bà con dân làng cùng ăn.

Già làng A Pu cho biết, nghi lễ này luôn được bà con dân làng Kon Braih gìn giữ và duy trì từ bao đời nay mỗi khi tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh, càng thể hiện được tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng của bà con dân làng.

Theo thôn trưởng A Cường, hiện nay, thôn Kon Braih có 88 hộ (340 khẩu). Bà con trong thôn luôn đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn cũng như trong làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Từ chỗ chỉ trồng mì, trồng lúa rẫy, đến nay, nhờ hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo và sự giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, bà con trong thôn đã phát triển được 50ha cao su, 45ha bời lời, gần 40ha cà phê, 23ha lúa nước…, qua đó giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 38,6%.

Sau phần nghi lễ, theo hiệu lệnh của già làng, bà con dân làng cùng đánh cồng chiêng, múa xoang, mời nhau thưởng thức những món ăn truyền thống và uống rượu cần chung vui đến tối.

Bài và ảnh: TÚ QUYÊN

   

Các tin khác

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Suối Đăk Lôi níu chân du khách
  • Người dành trọn đời cho thổ cẩm
  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Kon Rẫy: Vùng đất giàu nét đẹp văn hóa, lịch sử
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by