Đặc sắc vườn nghệ thuật Măng Đen
Một lần tham quan vườn nghệ thuật Măng Đen, huyện Kon Plông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm. Không gian trong khu vườn như một bức tranh sinh động, tái hiện những nét đẹp trong đời sống văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của người đồng bào DTTS.
Gần Tết, cái lạnh se sắt cộng thêm những cơn mưa phùn lất phất càng làm đậm nét đặc trưng của thời tiết Măng Đen. Chuyến xe buýt dừng ở ngã ba đường vào thị trấn nhỏ, chỉ vài bước chân sang đường, tôi đã đến và được chiêm ngưỡng không gian tuyệt vời ở vườn nghệ thuật Măng Đen.
Từ bên ngoài, đưa mắt nhìn tổng thể, có thể thấy được không gian đặc trưng với những điểm nhấn nổi bật từ hai chất liệu chính là đá và gỗ lũa. Hơn 1 tiếng đồng hồ đi dạo hết không gian rộng gần 3ha, chợt nghĩ, để làm nên được khu vườn, chắc hẳn, những người thực hiện đã dày công, tâm huyết, trách nhiệm và am hiểu về văn hóa các DTTS.
|
Như một hướng dẫn viên thực thụ, chị Hoàng Tố Nga - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông thuyết minh về từng không gian trong khu vườn. Là người gắn bó với quá trình xây dựng nên khu vườn, chị Nga phần nào hiểu được ý đồ của người thiết kế.
Chị kể rằng, để có được vườn nghệ thuật như bây giờ là cả quá trình lao động, sáng tạo của những người lên ý tưởng, nhà thiết kế và sự góp sức của các nghệ nhân trên địa bàn huyện. Dưới sự định hướng của huyện, ròng rã 3 tháng trời, các nghệ nhân đã tạo nên khoảng 500 bức tượng gỗ (xoay quanh các hoạt động trong đời sống hàng ngày của đồng bào DTTS). Cùng với đó, các nghệ nhân và người lao động có năng khiếu nghệ thuật trên địa bàn huyện đã đục đẽo tỉ mỉ, sắp xếp tinh tế trong gần 1 năm để đá và gỗ kể nên những câu chuyện của mình.
Mỗi tạo hình được sắp xếp từ đá và gỗ với những nét đẹp rất riêng khiến du khách tham quan ai cũng cảm thấy hứng khởi lặng ngắm và không khỏi trầm trồ. Cầu kỳ, tinh tế, những viên đá tự nhiên khi thì được kết nối với nhau, khi lại được gắn xen kẽ với những thanh gỗ nhỏ, đã tạo nên từng không gian thật đẹp. Mà không, quan sát kỹ, không đơn thuần là sự nổi bật của nghệ thuật sắp xếp, những nét đẹp tự thân của gỗ lũa, những bức tượng gỗ sống động như mô tả chân thực về cuộc sống, tập tục, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các DTTS ở Tây Nguyên.
Tôi không hiểu được ý tưởng vì sao lại là đá và gỗ. Song, khi rảo bước dưới rừng thông nguyên sinh, bước chân chạm vào những lớp đá cuội sột soạt quanh những tạo hình từ gỗ lũa, tận hưởng được sự thanh bình, mộc mạc, đầy thơ mộng.
|
Ngoài những điểm nổi bật trong cách bày trí, sắp xếp, dẫn chúng tôi về phía khu vực trưng bày, chị Nga nói rằng, nơi này là không gian đặc trưng nhất của khu vườn. Lớp đá được trải đều là con đường chính dẫn vào khu vực trưng bày. Những con chim hạc bằng gỗ với nhiều màu sắc đung đưa trong gió, cộng thêm âm thanh sôi động của những chiếc cồng, chiêng được tái hiện bằng gốm treo hai bên lối vào, tạo nên sự sinh động. Cũng ở không gian này, 3 căn nhà sàn nho nhỏ được làm hoàn toàn bằng tranh tre, gỗ, những chiếc khung cửi, những ghè rượu, những chiếc gùi được sắp xếp phù hợp, thể hiện rõ nét các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người DTTS.
Trong không gian của khu vườn, hình ảnh những bức tranh được vẽ trên gỗ: mẹ bồng con, giã gạo, múa xoang, đánh cồng chiêng, gặt lúa với nhiều màu sắc càng làm không gian của khu vườn thêm sắc màu. Đặc biệt hơn, chị Nga giới thiệu rằng, những bức tranh ấy, do chính các em học sinh trên địa bàn huyện vẽ. Vậy là, qua việc vẽ tranh, các em vừa được học về văn hóa truyền thống, vừa góp phần tạo nên điểm nhấn và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đúng, để hiểu hết những tinh túy, những câu chuyện để hình thành ý tưởng vườn nghệ thuật thì cần phải có thời gian và sự chiêm nghiệm. Song, khi dạo quanh khu vườn, du khách phần nào cảm nhận được những nét đặc trưng trong đời sống của người đồng bào DTTS.
9h sáng, khi những cơn mưa dần nhường chỗ cho những tia nắng le lói, không gian vườn nghệ thuật Măng Đen sôi động hơn khi đón tiếp từng đoàn khách từ khắp mọi miền đến thăm. Nhiều người dành thời gian ghi lại những bức ảnh đẹp bên không gian đậm chất nghệ thuật, văn hóa; cũng nhiều người tỉ mỉ chụp lại những bức tượng gỗ, những ngôi nhà sàn, những bức vẽ đầy màu sắc.
|
Từ huyện Đăk Glei có dịp về với Măng Đen, gia đình chị Nguyễn Thị Thêu dành nhiều thời gian tham quan vườn nghệ thuật. Không đơn thuần ghi lại những bức ảnh đẹp của gia đình bên không gian đặc trưng, chị Thêu bày tỏ ấn tượng trước không gian đặc sắc. “Vườn nghệ thuật là một điểm đến hấp dẫn, thú vị để trải nghiệm. Vào khu vườn, vừa cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu, vừa hiểu được những giá trị văn hóa đặc trưng của người DTTS”- chị Thêu chia sẻ.
Sinh sống ở Măng Đen lại gắn bó với vườn nghệ thuật Măng Đen, chị Nga nói rằng, nằm ở vị trí thuận lợi, từ khi đi vào hoạt động, vườn nghệ thuật Măng Đen đã thu hút đông đảo du khách khi đến Kon Plông du lịch. Cùng với không gian đặc trưng tại chợ phiên, nhiều du khách bày tỏ ấn tượng trước không gian của vườn nghệ thuật. Và hầu như du khách nào đến Măng Đen cũng ghé qua tham quan, tìm hiểu và chụp hình tại đây.
“Không chỉ là điểm đến hấp dẫn thu hút nhân dân và khách du lịch khi đến với Măng Đen, vườn nghệ thuật Măng Đen còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn” - chị Nga nhấn mạnh.
Để giữ gìn và bảo vệ vườn nghệ thuật Măng Đen, từ tháng 8/2024, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Kon Plông đã hợp đồng 1 nhân viên để trông nom, dọn dẹp, vệ sinh và hướng dẫn du khách giữ gìn vệ sinh, không gian chung tại khu vườn. Nhờ đó, từ khi đi vào hoạt động, vườn nghệ thuật vẫn được giữ gìn sạch sẽ, tạo không gian thoải mái cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Hoài Tiến