Sức sống mới từ một Cuộc vận động - Bài 1: Công phá “lõi nghèo” vùng DTTS
Năm 2021, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” được phát động trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 93,74% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh. Với tinh thần “Chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm 100”, Cuộc vận động đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từng bước tạo nên những đổi thay rõ nét ở vùng DTTS.
|
Từ chủ trương đến thực tiễn
Với hơn 54% dân số là người DTTS, tỉnh Kon Tum luôn có các chính sách quan tâm, hỗ trợ, giúp người DTTS vươn lên trong cuộc sống. Sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ ấy đã góp phần giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Thế nhưng đầu năm 2021, theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn đến 21.989 hộ, chiếm 93,74% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh; 7.936 hộ cận nghèo là người DTTS chiếm 90,4% so với tổng số cận hộ nghèo toàn tỉnh.
Phải làm sao giúp người DTTS thoát nghèo bền vững luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ thực tiễn cấp bách, ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động).
Nguyên nhân khiến cái nghèo “sâu rễ bền gốc” ở vùng DTTS được chỉ rõ: Một bộ phận người DTTS có trình độ nhận thức và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; đời sống của người DTTS bị cản trở phát triển bởi còn nhiều hủ tục; một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, chưa biết tính toán làm ăn, chi tiêu hợp lý.
Xác định rõ nguyên nhân gốc rễ, Cuộc vận động đề ra 10 nội dung trọng tâm, với các chỉ tiêu được xác định cụ thể như: Đến năm 2025 có từ 70% trở lên số hộ người DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; trên 25% số hộ người DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm.
|
|
Chung sức công phá “lõi nghèo”
Với phương châm kiên trì, kiên quyết, không nóng vội, gượng ép, cùng với lộ trình, hướng đi phù hợp, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, chung sức đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống.
Khi Cuộc vận động được phát động, huyện Kon Plông có hơn 1.000 hộ nghèo người DTTS, 100% hộ cận nghèo là người DTTS. Đồng chí Y Thị- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khẳng định rằng, với huyện Kon Plông, Cuộc vận động là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược để giúp người DTTS bứt phá, vươn lên thoát nghèo.
Với ý nghĩa của Cuộc vận động, ngay từ khi được phát động, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã kịp thời xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện, thành lập ban chỉ đạo Cuộc vận động và thành lập tổ giúp việc cho ban chỉ đạo.
“Chúng tôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quyết tâm triển khai thực hiện. Hàng năm chúng tôi chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đăng ký và triển khai thực hiện các mô hình Cuộc vận động; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, triển khai các mô hình “người thật, việc thật” để tạo niềm tin, động lực cho người dân làm theo”- bà Y Thị chia sẻ.
Huyện ủy Kon Plông cũng xác định rõ vai trò then chốt của hệ thống chính trị cơ sở, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân. “Đến nay, qua nhiều cách làm, cùng với việc gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước đang triển khai thực hiện, có thể khẳng định, Cuộc vận động đã thực sự đi sâu vào đời sống, tạo ra được những giá trị nền tảng trong công cuộc giảm nghèo của huyện nhà”- bà Y Thị nhấn mạnh.
Huyện Đăk Glei có 93 thôn (làng) với hơn 12.000 hộ người DTTS, chiếm 87,01% dân số của huyện. Huyện xác định Cuộc vận động là một trong những giải pháp đột phá để giảm nghèo ở vùng DTTS.
Ngay khi Cuộc vận động được phát động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập ban chỉ đạo tham mưu, giúp việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo nội dung chương trình, kế hoạch phối hợp đã ký kết. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động đến các thôn (làng) theo kế hoạch đề ra.
Ông Plong Phan- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Đăk Glei cho biết: Để Cuộc vận động đi vào thực chất, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên đề về Cuộc vận động cho 320 học viên là cán bộ mặt trận các xã, thị trấn; đồng thời cử cán bộ mặt trận huyện, xã tham gia các lớp tập huấn tại tỉnh.
“Qua tập huấn, nắm bắt rõ cách triển khai, tuyên truyền, vận động, cán bộ mặt trận- đội ngũ tuyên truyền nòng cốt đã đi tận ngõ, gõ tận cửa, tuyên truyền, vận động bà con chung sức thay nếp nghĩ, đổi cách làm”- ông Plong Phan nói.
Không chỉ các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung tay triển khai thực hiện Cuộc vận động. Chị Y Việt Sa- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Cuộc vận động là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa, đề ra 3 giải pháp, 5 chỉ tiêu cơ bản để triển khai thực hiện.
|
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai gần 50 mô hình hỗ trợ, thành lập 6 tổ hợp tác thanh niên, tổ chức hơn 100 lớp tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, khởi nghiệp, nghề nghiệp, việc làm cho hơn 5.300 lượt đoàn viên, thanh niên và người dân tại các địa phương.
“Chúng tôi quyết tâm chung tay, góp sức cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, tăng gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững”- chị Y Việt Sa chia sẻ.
Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nỗ lực triển khai Cuộc vận động với quyết tâm cao nhất. Hành động tạo chuyển biến, tất cả đều hướng đến góp sức đổi thay đời sống người DTTS.
Hoài Tiến