• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ các dự án luật    Tỉnh ủy Kon Tum tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW    Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân    Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị    Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ hai của Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Ghi chép - Phóng sự

Tình cha mang sắc xanh áo lính

21/05/2025 06:02

Giữa vùng biên cương nắng gió, có những đứa trẻ đã và đang lớn lên dưới mái nhà đặc biệt. Nơi tình cảm gia đình không đến từ huyết thống, mà nảy nở từ sự sẻ chia, từ trái tim của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Em Cụt Thị Khoong (thứ 2 từ trái qua) được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy quan tâm, giúp đỡ. Ảnh: T.T

 

Trong những ngày tháng 5, tôi đến huyện biên giới Ia H’Drai. Tại Đồn Biên phòng Sa Thầy, tôi gặp em Cụt Thị Khoong. Cô bé là người DTTS, sinh năm 2010, quê gốc Nghệ An, theo gia đình đến lập nghiệp tại xã Ia Đal. Sau khi bố mẹ ly hôn, em sống cùng chị gái trong căn nhà tạm, thiếu thốn đủ bề. Nắm bắt được hoàn cảnh đó, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã đưa em vào diện hỗ trợ trong Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Từ đó, hành trình yêu thương bắt đầu! Em Khoong được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng để trang trải học tập, sinh hoạt. Đặc biệt, các chiến sĩ còn trao tặng gia đình em một con bò giống để hỗ trợ sinh kế lâu dài. Vào dịp lễ, tết, em được đón lên đồn ăn cơm cùng các chú bộ đội, được tặng quà, sẻ chia hơi ấm gia đình. Cán bộ trong Đồn thay phiên nhau đến nhà thăm hỏi, dạy học, hướng dẫn em từng phép tính, bài văn.

Đại úy Lê Văn Sắc - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sa Thầy cho biết: “Trường hợp của cháu Khoong là một trong những hoàn cảnh khiến chúng tôi rất trăn trở. Em thiếu cả vật chất và tình cảm. Ngoài hỗ trợ hằng tháng, chúng tôi xem cháu như con em trong nhà. Mỗi cán bộ đều thay nhau quan tâm, kèm học, trò chuyện để cháu không cảm thấy lạc lõng. Nhìn em lớn lên từng ngày là niềm hạnh phúc của cả đơn vị.”

Nhờ sự giúp đỡ từ các chiến sĩ biên phòng, Cụt Thị Khoong được đi học giống với bạn bè. Ảnh: T.T

 

Không giấu được xúc động, em Cụt Thị Khoong rụt rè nói: “Từ khi được các chú Bộ đội Biên phòng giúp, em thấy rất vui! Em thương các chú nhiều lắm. Em muốn học thật giỏi để sau này tự lập và không phụ lòng các chú”.

Em A Ứng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai hướng dẫn học tập. Ảnh: T.T

 

... và chở đến trường hàng ngày. Ảnh: T.T

 

Không chỉ riêng Khoong, ở nhiều đồn biên phòng khác trên địa bàn tỉnh những câu chuyện tương tự cũng đang lặng lẽ viết tiếp bằng tình yêu thương vô điều kiện. Em A Ứng- người Gia Rai ở làng Grập, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, là một trong những người đang sống trong tình yêu thương ấy.

A Ứng được Đồn Biên phòng Mô Rai nhận nuôi từ năm 2019. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa, em sống cùng bà đã già yếu. Trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, em được các chú bộ đội dang rộng vòng tay đón nhận. Những ngày đầu, A Ứng thu mình, lặng lẽ, ít nói. Nhưng rồi bằng tình thương và sự kiên nhẫn của các chú, em dần thay đổi, chủ động và quan trọng nhất là tiếp tục được đến trường.

Hằng ngày, ngoài giờ học, em phụ giúp quét dọn doanh trại, chăm sóc cây xanh, tập đội ngũ, học cách gấp chăn màn vuông vức như “bánh chưng”. Các chú thay nhau dạy học, hướng dẫn kỹ năng sống, từ nấu ăn, trồng rau đến sơ cứu cơ bản. Em được nuôi dưỡng không chỉ bằng bữa cơm ấm áp mà còn bằng tinh thần kỷ luật và tình yêu thương.

Em A Ứng bộc bạch bằng giọng chậm rãi nhưng đầy cảm xúc: Em ở với các chú từ nhỏ. Hồi đó, em hay khóc, không dám nói chuyện. Giờ thì em biết tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân mình. Các chú dạy em học, dạy cả cách sống cho tốt, phải yêu quê hương, thương người nghèo. Em sẽ cố gắng học để sau này làm người có ích cho xã hội.

Thầy giáo Vũ Cao Núi – Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Huệ cũng cho biết: “Lúc mới vào học, em A Ứng khá nhút nhát, học lực trung bình. Từ khi được sống cùng các chú bộ đội, em tự tin và tiến bộ rõ rệt. Sắp tới A Ứng có cơ hội được tuyển thẳng vào Trường PT DTNT tỉnh”.

Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” tại tỉnh Kon Tum hiện lan tỏa đến hầu hết các đơn vị tuyến biên giới. Đến nay, 14/16 đồn biên phòng đã nhận nuôi 15 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ vật chất, các đơn vị còn đồng hành với các em trong học tập, định hướng nghề nghiệp và giáo dục nhân cách.

Các phòng, ban trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, dù không trực tiếp quản lý địa bàn, cũng tích cực đóng góp để hỗ trợ thêm cho mỗi cháu  200.000đồng/tháng, trong các dịp khai giảng, tổng kết năm học. Từ năm 2019 đến nay, số tiền quyên góp đã lên tới gần 200 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí xã hội hóa cùng sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhiều đồn biên phòng còn phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể cho các em, tạo điều kiện để các em không chỉ học chữ mà còn học cách sống, học làm người. Ở những vùng trường học xa nơi ở, việc các chiến sĩ biên phòng đưa đón các em đến trường mỗi ngày bằng xe máy đã trở thành hình ảnh quen thuộc.

Một số đồn còn phối hợp ngành giáo dục vận động áo ấm, xe đạp, đèn học để bàn cho các em, tạo điều kiện môi trường học tập tốt hơn. Đằng sau những hoạt động ấy là tình cảm, sự tận tụy và trách nhiệm của những người lính mang trên vai không chỉ sứ mệnh bảo vệ chủ quyền mà Tổ quốc còn là điểm tựa cho những mảnh đời non trẻ.

Đại tá Lê Quốc Việt – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá: Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” không chỉ chăm lo giáo dục mà còn là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết quân - dân nơi biên cương. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp lòng yêu nước và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Ở vùng biên giới nơi nắng gió bỏng rát, cuộc sống của nhiều gia đình còn bộn bề gian khó, những đứa trẻ lớn lên trong Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” đang từng ngày trưởng thành, vững chãi hơn, đầy hy vọng hơn. Các đồn biên phòng là mái nhà yêu thương, là điểm tựa để những đứa trẻ mong manh có thể mơ ước, học hành và trở thành người có ích.

Họ - những người lính nơi biên giới, không cần được gọi là cha, nhưng cách họ sống, chăm sóc, truyền dạy lại mang trọn vẹn tình cha. Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” là một biểu tượng của lòng nhân ái, của sự tử tế âm thầm lan tỏa trên vùng biên giới xa xôi.

Và rồi, mai này khi những đứa trẻ ấy trưởng thành, bước vào đời, chắc chắn sẽ nhớ mãi đôi bàn tay cứng cáp nhưng ấm áp tình yêu thương của những người cha nuôi  đã dìu chúng bước đầu đời để trở thành người có ích cho xã hội.

Tất Thành

   

Các tin khác

  • Chùm ảnh: Ngọc Linh mùa lúa xanh
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ
  • Du khách đổ về Măng Đen dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
  • Chùm ảnh: Thành phố Kon Tum rực rỡ cờ hoa chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp nao lòng của dòng sông Đăk Bla chảy ngược
  • Chùm ảnh: Nhà rông truyền thống ở huyện Sa Thầy
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Khẳng định giá trị sâm Ngọc Linh qua các nghiên cứu khoa học
  • Tình cha mang sắc xanh áo lính
  • Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
  • Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
  • Kết thúc hoạt động các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện cấp huyện trước ngày 30/6
  • Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ các dự án luật
  • Thành lập tổ công tác phối hợp điều tra, làm rõ vụ phá rừng ở Ia H’Drai
  • 5/10 huyện, thành phố xếp loại Trung bình về chuyển đổi số năm 2024

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Tình cha mang sắc xanh áo lính
  • Chùm ảnh: Ngọc Linh mùa lúa xanh
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người

Đất & Người Kon Tum

  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Thời gian qua, dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Không cầu kỳ, không phô trương, kỹ nghệ này vẫn được người Xơ Đăng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn qua các thế hệ.
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by