Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và giữ vững quốc phòng - an ninh. Các tổ chức này góp phần tập hợp, đoàn kết nhân dân, tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong năm 2024, các tổ chức đoàn thể đã giám sát hàng trăm văn bản, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân. Trong đó, Hội Cựu chiến binh giám sát 34 văn bản quan trọng và tổ chức 380 cuộc gặp gỡ với hơn 6.600 lượt cán bộ, hội viên và nhân dân. Hội LHPN chủ trì giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và tổ chức đối thoại với hội viên. Những hoạt động này giúp chính sách bám sát thực tế, bảo vệ quyền lợi nhân dân.
Tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước, thu hút hơn 100.000 người tham gia. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, thông qua các mô hình hiệu quả, Mặt trận các cấp đã giúp bà con thay đổi cách làm ăn, sản xuất, hướng tới phát triển bền vững. Công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt kết quả tích cực, với hơn 11 tỷ đồng, hỗ trợ 145 căn nhà đại đoàn kết và tặng quà cho hơn 1.200 hộ gia đình khó khăn.
|
Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, tổ chức 29 đợt tập huấn cho 745 cán bộ, hội viên và cử 2.092 hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyên đề. Để hỗ trợ hội viên về vốn phát triển kinh tế, các cấp hội đã chủ động triển khai tốt hoạt động nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 274 cơ sở hội tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ lên tới 653,9 tỷ đồng, giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hội cũng triển khai 73 mô hình kinh tế gia đình, nhiều mô hình đạt doanh thu từ 200-500 triệu đồng/năm, thậm chí có mô hình đạt 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 2.101 lao động. Bên cạnh đó, Hội đã vận động và trao tặng 120.000 cuốn vở, 20 xe đạp cho học sinh đồng bào DTTS, hỗ trợ 80 hộ dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các cấp hội đã thành lập và duy trì nhiều mô hình kinh tế hợp tác, như tổ hợp tác sản xuất rượu nếp than, HTX chế biến thịt heo gác bếp, nhóm sản xuất măng khô… Hội cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, hỗ trợ hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số. Đồng thời, Chương trình “Mái ấm tình thương” tiếp tục được triển khai, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho hội viên khó khăn. Các chương trình an sinh xã hội của Hội cũng được đẩy mạnh, với hàng trăm suất học bổng và phần quà được trao tặng cho trẻ em nghèo, phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn.
|
Hội Nông dân tỉnh cũng có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao đời sống nông dân. Hội đã hỗ trợ cải tạo 2.060,42ha vườn tạp cho 11.761 hộ dân, đồng thời vận động 68.000 hộ tham gia phong trào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản an toàn. Hội Nông dân cũng hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay, nâng tổng dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội lên 1.314,1 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động, triển khai Chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà, sửa chữa 2 căn nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động đã vận động hơn 3,6 tỷ đồng để hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, cải thiện nơi ở cho nhiều công nhân lao động.
Đoàn Thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện với nhiều hoạt động vì cộng đồng như xây dựng công trình thanh niên, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa phát triển hạ tầng. Hơn 15.000 cây xanh đã được trồng, hàng trăm km đường giao thông nông thôn được sửa chữa, và các công trình “Ánh sáng vùng biên” giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa.
Các tổ chức đoàn thể không chỉ tập trung phát triển kinh tế - xã hội mà còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và truyền thống yêu nước trong nhân dân. Các chương trình như “Uống nước nhớ nguồn”, “Thắp nến tri ân” đã góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng nếp sống văn minh và trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, các tổ chức đoàn thể cũng đối diện với những thách thức trong việc đổi mới phương thức hoạt động, thu hút hội viên và nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh.
Một giải pháp quan trọng là tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các chương trình chung về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khi các tổ chức này thực sự gắn kết với nhân dân, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân, sức mạnh đoàn kết sẽ được phát huy, góp phần đưa quê hương phát triển bền vững.
Y Đô