Biển cấm đổ rác “tàng hình”
Mỗi lần tình cờ, hoặc bắt buộc, đi qua những “bãi rác tự phát” trên các tuyến đường ở thành phố xinh đẹp mình sinh sống, dù có sự hiện diện của biển cấm đổ rác, tôi lại tự hỏi đâu là lý do khiến những tấm biển ấy như “tàng hình”.
Chiều muộn, hai công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị hối hả làm việc. Họ đang nỗ lực gom hết đống rác to tấp bên đường lên xe đẩy, sau đó chờ xe rác đến lấy đi.
Điều đáng nói là, ngay tại vị trí này có một tấm biển khá lớn, chữ vàng nền đỏ do UBND phường đặt, với nội dung: Cấm đổ rác, xà bần.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, một nữ công nhân tranh thủ phàn nàn: Có không ít người quen vứt rác không đúng nơi quy định, và xem là điều bình thường, dù ở đó có biển cấm, dù túi rác bốc mùi hôi thối khiến môi trường và sức khỏe nhiều người xung quanh bị ảnh hưởng.
Nghe chị phàn nàn, tôi lại nhớ đến con hẻm nơi tôi ở. Ở đầu hẻm có một gốc cây khá to, phía trước một ngôi nhà 2 tầng đẹp đẽ, đã bị biến thành nơi tập kết rác khi nào không biết. Ban đầu, chỉ là một hai túi rác nằm gọn một góc. Rồi túi rác xuất hiện ngày càng nhiều, thành cả một đống rác lớn.
|
Chủ nhà thường bất bình kể rằng: Nhà đóng cửa đi làm suốt ngày, mấy gia đình trong xóm cứ mang rác ra đó “gửi tạm” bất kỳ lúc nào họ muốn. Dù tôi đã đến từng nhà đề nghị họ để trong nhà, chờ đến giờ xe thu gom đi qua hãy bỏ, nhưng họ phớt lờ.
Đã vài lần tôi trực tiếp gõ cửa nhiều nhà trong xóm đề nghị họ không mang rác ra vứt ở gốc cây đầu hẻm nữa. “Anh chị hãy chờ đến giờ công nhân môi trường đi gom rác, từ 5 giờ chiều trở đi đấy, mới đem rác ra bỏ, chứ như thế này thì ô nhiễm lắm”- tôi đề nghị.
Đa số trả lời tôi bằng những lời hứa hẹn “sẽ làm như vậy”, hẳn là do nể mặt, vì sau đó vẫn không thay đổi. Cũng có người im lặng gật đầu; vài người lầu bầu “không bỏ đấy thì bỏ đâu”.
Sau đó, tôi cùng chủ nhà kể trên làm một tấm biển từ bìa cạc tông, dùng bút dạ viết “cấm đổ rác”, mắc vào cành cây. Nhưng tấm biển ấy không mang đến sự thay đổi mà chúng tôi mong muốn, thậm chí có vẻ còn… hút thêm rác hơn.
Nhiều năm trôi qua, đến bây giờ, ở gốc cây vẫn đầy rác mỗi ngày, dù hàng chục tấm biển bằng bìa cạc tông đã được treo, nội dung cũng nhiều lần thay đổi, từ “cấm bỏ rác” sang “xin đừng bỏ rác”, rồi lại “cấm bỏ rác”.
|
Nhìn rộng ra, tình trạng này cũng khá phổ biến trên một số tuyến đường. Tôi từng thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ trên một số tuyến đường và thấy có rất nhiều nơi xả rác bừa bãi ra vỉa hè hoặc các bãi đất trồng, dù có biển cấm hay không.
Một số nơi, mặc dù đã được đặt thùng chứa rác, xe chứa rác, nhưng vẫn xuất hiện những bì rác thải sinh hoạt xanh, đỏ đủ màu. Thậm chí là những món vật dụng bỏ đi trong gia đình như giường, tủ, ghế nệm cũng được người dân bỏ ở đây.
Nhất là những ngày sau Tết, rác ngập vỉa hè. Cây hoa, chậu cảnh, sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ” trong mấy ngày Xuân, chủ nhà thẳng tay vứt ra ngay trước nhà.
Bình, chậu vỡ tung toé; đất cát; cây, hoa, lá, cành nằm “đợi” công nhân vệ sinh tới thu gom, dọn dẹp. Có cành đào nằm vắt ngang nửa trên vỉa hè, nửa dưới lòng đường; có chậu hoa cúc, hoa thược dược, hoa mặt trời lăn lóc bên lề đường.
Mỗi lần tình cờ, hoặc bắt buộc, đi qua những “bãi rác tự phát” trên các tuyến đường ở thành phố xinh đẹp mình sinh sống, dù có sự hiện diện của biển cấm đổ rác, tôi lại tự hỏi đâu là lý do khiến những tấm biển ấy như “tàng hình”?
Vì tiện cho người vứt rác ư? Hẳn rồi! Lâu nay, một bộ phận người dân vẫn tồn tại thói quen xả rác bừa bãi, chỉ cần “sạch nhà” chứ không quan tâm “sạch ngõ”, hoặc vứt ở đâu mà chả được, chỉ cần tiện cho mình, việc xử lý rác là trách nhiệm của người khác.
Cũng có lý do, trước khi bị cấm, nơi đó đã hình thành một bãi rác nhỏ, sau khi có biển thì vẫn vứt theo thói quen. Thậm chí do ý thức kém và tâm lý “càng cấm càng đổ” nên dù có hay không có cái biển thì có người vẫn đem rác đến vứt.
Nhưng cũng có những nguyên nhân khác nữa khiến các biển “cấm đổ rác” như “tàng hình”, chỉ để… cho vui. Đó là người dân đổ rác không chỉ vì tiện tay mà còn bởi không có lựa chọn khác.
Nói đâu xa, ở nơi tôi ở không có điểm thu gom rác thải lớn, cồng kềnh, đơn vị thu gom rác chỉ chấp nhận thu gom những bì rác nhỏ, còn những món đồ cồng kềnh, hay khối lượng rác nhiều không biết giải quyết ra sao. Thế nên, người ta đành tấp hết ra vỉa hè, bãi trống, kể cả có biển cấm.
Và cuối cùng, các biển “Cấm đổ rác” được cắm ở đó cũng chỉ mang ý nghĩa như một biện pháp nhắc nhở hình thức, không đi kèm với sự giám sát hay chế tài xử lý cụ thể, nên người vứt rác cũng… nhờn.
Cần làm gì để những biển báo như “Cấm đổ rác” không trở thành vật trang trí vô dụng?
Trước hết, tôi cho rằng, mỗi người, mỗi nhà cần nâng cao ý thức, thực hiện “xả rác có tâm”. Tức là bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không vứt vương vãi trên lề đường, hè phố.
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền cắm biển cấm cần tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm.
Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường.
Chỉ khi đi cùng chế tài thì biện pháp “cấm” mới phát huy hiệu quả!
Hồng Lam