Sôi nổi hoạt động trình diễn, trải nghiệm truyền thống đầu Xuân Ất Tỵ
Những ngày qua, tại Bảo tàng- Thư viện tỉnh, các hoạt động trình diễn, trải nghiệm Di sản văn hóa truyền thống Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra sôi nổi, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn vào dịp đầu Xuân.
Trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, các nghệ nhân, nghệ sĩ lựa chọn các tiết mục đậm bản sắc vùng miền để trình diễn phục vụ du khách, người dân.
Một trong những màn trình diễn được khán giả hò reo, cổ vũ nhiệt tình là màn múa xòe, nhảy sạp của đội nghệ nhân dân tộc Mường đến từ thôn Hào Phú, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Anh Đinh Văn Thiệu - Đội trưởng đội nghệ nhân thôn Hào Phú chia sẻ: “Nhảy sạp, múa xòe là nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, là hình thức diễn xướng dân gian mang tính giải trí, gắn kết cộng đồng, là vũ điệu gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày. Qua tiết mục chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu quê hương, con người, đoàn kết gắn bó trong cộng đồng tại khu dân cư đến với mọi người xem”.
Ấn tượng nữa là màn hòa tấu nhạc cụ truyền thống của các nghệ nhân Xơ Đăng đến từ thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô).
|
Màn trình diễn giới thiệu tới công chúng các loại nhạc cụ dân gian đặc sắc như: Cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn Klông Pút và đàn đá; cùng với các tiết mục trình diễn ấn tượng như: Giã gạo đêm trăng, mừng lúa mới, bắc máng nước và ngày hội văn hóa. Tất cả như một “bữa tiệc” âm thanh được tổ chức, dàn dựng công phu, tỉ mỉ, đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Nghệ nhân ưu tú A Thu- Đội trưởng Đội cồng chiêng và văn nghệ dân gian thôn Đăk Rô Gia chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi được mời tham gia biểu diễn để phục vụ bà con, du khách tại đây. Các tiết mục được chúng tôi đầu tư tập luyện công phu. Vì vậy khi thấy mọi người đến xem, ủng hộ và cổ vũ thì các thành viên đều vui và phấn khởi lắm”.
Một trong những tiết mục mang đến sự mới mẻ là màn biểu diễn võ cổ truyền Bình Định- đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các võ sĩ nơi “đất võ” về với vùng đất Tây Nguyên đã làm thỏa lòng người xem với những màn biểu diễn võ thuật, chiêu thức uyển chuyển, linh hoạt, đầy tính nghệ thuật, đậm nét tinh hoa võ học. Qua đó, tạo khí thế hào hùng, gợi nhớ về triều đại “Nhà Tây Sơn” với những chiến công hiển hách, lẫy lừng của “người anh hùng áo vải” Quang Trung (Nguyễn Huệ).
|
Trong khuôn khổ chương trình, người dân và du khách còn được trải nghiệm, xem trình diễn các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Cầu bập bênh, đi cầu khỉ dây văng, bịt mắt đập niêu, ném còn, đi cà kheo.
Ông Nguyễn Văn Quang- Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh cho biết: “Qua các ngày diễn ra, các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ và toàn thể người dân, du khách đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp “Tết đến, Xuân về”. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và đóng góp vào sự phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Thanh