Nữ nghệ nhân gắn bó với Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam
Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Y Sinh (khối 4, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) luôn nỗ lực gìn giữ, giới thiệu, lan tỏa nét đẹp truyền thống đáng quý của dân tộc Xơ Đăng đến với du khách và những người yêu mến văn hóa dân gian tại Làng Văn hóa - Du lịch (VH-DL) các dân tộc Việt Nam.
Bà Y Sinh sinh năm 1959 tại làng Đăk Giá (xã Đăk Ang), trước đây thuộc huyện Đăk Tô, nay là huyện Ngọc Hồi. Từ một cô bé mới học lớp 4, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Y Sinh đã không ngừng phấn đấu để trở thành cô giáo. Sau 10 năm gắn bó với đàn em thân yêu nơi vùng sâu vùng xa, bà chuyển sang làm công tác dân vận - mặt trận, rồi công tác tại hội phụ nữ huyện. Nhiều năm gắn bó với cơ sở, hòa mình cùng phong trào quần chúng cũng là thời gian nuôi dưỡng trong lòng bà tình yêu với văn hóa dân tộc.
Với sở trường chế tác, sử dụng các nhạc cụ bằng tre nứa, nhất là đàn klông pút, đàn t’rưng, căn nhà nhỏ của bà tại thị trấn Đăk Tô từng là địa chỉ quen thuộc được các em, các cháu đến học hỏi chế tác, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc đơn sơ mà cuốn hút.
|
Được “chọn mặt gửi vàng” từ lâu, song đến cuối tháng 8/2018, bà mới chính thức trở thành người của Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam. Nhóm Xơ Đăng vùng Bắc Tây Nguyên góp mặt cùng 15 dân tộc anh em tại Làng được xây dựng hoàn chỉnh một nhà rông, hai nhà sàn, hai kho lúa theo kiến trúc truyền thống làm nơi trưng bày, giới thiệu nét đẹp văn hóa. Ban đầu, 5 nam nữ thanh niên của làng Tê Rông (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) được chính bà Y Sinh động viên, tuyển chọn đã có mặt tại đây. Sau đó, do đặc thù địa phương, nhân lực tham gia nhiều lúc có thay đổi, song luôn đảm bảo yêu cầu công việc. Được như vậy, công lao của “trưởng nhóm” Y Sinh không hề nhỏ, khi bà phải lặn lội đến tận các làng xa để vận động “tuyển người” về Làng.
Nghệ nhân Y Nhao (làng Đăk Manh, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) chia sẻ: Từ nhà ra thủ đô, cái gì cũng xa lạ hết! Được cô Sinh chỉ bảo từng ly từng tí, tụi em mới quen dần. Được cô quan tâm chăm sóc và động viên, mới yên tâm ở lại để tham gia hoạt động, đóng góp cho Làng”.
Là nơi hội tụ, biểu trưng cho nét đẹp của các dân tộc anh em, Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam được biết đến với các hoạt động vừa độc đáo vừa đa dạng, phong phú để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đến du khách, mà nổi bật là cồng chiêng - xoang, dân ca - dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực dân tộc.
Không chỉ trực tiếp giới thiệu nét đẹp âm nhạc dân gian thông qua chế tác, biểu diễn đàn t’rưng, klông pút, bà Y Sinh trong vai trò người đứng đầu nhóm dân tộc Xơ Đăng tại Làng còn đảm nhận tốt việc tổ chức mọi hoạt động liên quan đến sinh hoạt đời sống và tham gia biểu diễn của các thành viên trong nhóm. Chẳng dễ dàng khi phải vừa “ổn định tư tưởng”, vừa tận tình chỉ dạy cho các em các cháu từng nốt đàn, nét nhạc, điệu múa, song với lòng tận tâm, nhiệt huyết cùng sự kiên trì, bền bỉ, bà Y Sinh đã góp phần tạo nên các lớp nghệ nhân tiếp nối nỗ lực tham gia hoạt động chung tại Làng.
|
Không chỉ làm tốt vai trò Trưởng nhóm dân tộc Xơ Đăng, nghệ nhân Ưu tú Y Sinh còn phát huy hiệu quả là Trưởng Ban Đoàn kết Cộng đồng của Làng được các nhóm dân tộc anh em rất tín nhiệm, quý mến. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Ban quản lý Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam ghi nhận và cho biết thêm: “Bằng “nét duyên” của mình, bà là một trong số nữ nghệ nhân rất có “sức hút” khi tổ chức giới thiệu đến du khách tham quan nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Với các cháu học sinh, ấn tượng về nữ nghệ nhân gần gũi, thân thiện càng sâu đậm, khó quên. Bên cạnh đó, bà còn tổ chức nhóm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đi đầu để các nhóm dân tộc anh em tại Làng học tập, làm theo”.
Thực tế, để ổn định sinh hoạt, cải thiện đời sống cho các thành viên trong nhóm, sau khi nhận nhiệm vụ tại đây, bà Y Sinh đã chủ động tổ chức cho các em các cháu tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất. Trên hơn 1 sào đất tự khai hoang, những năm qua, họ luôn cố gắng duy trì “mùa nào thức nấy”. Từ các loại rau, củ, quả tươi sống đến bắp và các loại đậu... đều được luân phiên chăm sóc. Sản phẩm thu được không chỉ phục vụ bữa ăn hằng ngày của các thành viên nhóm, mà một phần còn cung cấp với tinh thần hỗ trợ cho các nhóm dân tộc anh em ở Làng. Cũng nhờ thu nhập này, mà nhóm cơ bản có thể “tự túc lương thực” hằng tháng mà các cá nhân không phải đóng góp chi phí.
Vui sướng và tự hào khi là người của “ngôi làng” đặc biệt giữa lòng thủ đô, bà Y Sinh hồn hậu cho hay rằng còn sức khỏe thì vẫn gắn bó với nơi này.
THANH NHƯ