Người Xơ Đăng ở Đăk Ang giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
Nhờ chú trọng công tác giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hiện nay, xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) bảo tồn được các giá trị văn hóa của người Xơ Đăng, như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ truyền thống và lễ hội, nghi lễ truyền thống.
|
Dù đã 79 tuổi nhưng mỗi dịp cuối tuần, nghệ nhân A Nua (ở thôn Long Dôn) đều miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên trong thôn. Ông chia sẻ: Trước đây, tất cả trai gái đều biết đánh cồng chiêng. Mỗi khi thôn có lễ hội, rất đông người tham gia. Nhưng hiện nay, thế hệ trẻ trong thôn cũng quên mất cách đánh cồng chiêng. Được sự quan tâm của lãnh đạo xã, tôi cùng nghệ nhân khác của thôn đã tập hợp những người trẻ lại để truyền dạy cồng chiêng, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp của văn hóa cồng chiêng.
Chính sự nhiệt huyết của nghệ nhân A Nua cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, xã Đăk Ang đã thành lập được 8 đội cồng chiêng ở các thôn. Nhờ được truyền dạy bài bản, các đội đều trình diễn khá thành thục và tham gia nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện.
Tham gia tập luyện cồng chiêng từ năm 9 tuổi, đến nay, em A Đức (15 tuổi, ở thôn Long Dôn) đã thuần thục các bài chiêng truyền thống của dân tộc Xơ Đăng như: “Mừng chiến thắng”, “Mừng lúa mới”, “Mừng nhà rông mới”.
“Cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của người Xơ Đăng nơi đây. Vì vậy, em và các bạn trong thôn luôn chăm chỉ tham gia tập luyện để lưu giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này. Trong những lần đi biểu diễn, em thấy mọi người rất thích nghe tiếng chiêng nên chúng em sẽ cố gắng tập luyện; đồng thời, chỉ bảo các em nhỏ trong thôn cùng nhau tập luyện để tiếng cồng chiêng dân tộc Xơ Đăng vang xa”- em A Đức cho hay.
Bên cạnh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát là nghề thủ công truyền thống, luôn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của bà con Xơ Đăng trên địa bàn xã Đăk Ang. Với tình yêu, tâm huyết và muốn lưu truyền nghề truyền thống, thời gian qua, nhiều nghệ nhân trong xã nỗ lực gìn giữ, duy trì và truyền dạy cho con, cháu.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2023, UBND xã đã tập hợp các nghệ nhân thành lập Tổ liên kết đan lát và dệt thổ cẩm xã Đăk Ang với 30 thành viên. Đồng thời, hỗ trợ đưa các sản phẩm của tổ tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài huyện nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm.
|
Trong những năm qua, nghề dệt thổ cẩm và đan lát đã mang lại nguồn thu nhập chính cho vợ chồng ông A Nuy (69 tuổi, ở thôn Đăk Giá II). Ông cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu dệt trang phục, đan lát để phục vụ cho gia đình hoặc tranh thủ thời gian rảnh thì làm thêm nếu người dân trong thôn đặt mua. Từ khi tham gia Tổ liên kết đan lát và dệt thổ cẩm, được xã hỗ trợ quảng bá sản phẩm, vợ chồng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn; trung bình mỗi tháng bán được 2 - 3 bộ thổ cẩm, 3 - 4 sản phẩm đan lát. Từ đó, vợ chồng có thêm thu nhập ổn định cuộc sống”.
Cùng với đó, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã Đăk Ang đã nỗ lực phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng nơi đây. Thời gian qua, thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ, các nghi lễ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng đã được phục dựng như: “Ăn lúa mới”, “Mừng giọt nước về làng”, “Chuyển về làng mới”.
Trong đó, lễ hội “Ăn lúa mới” được xã Đăk Ang phối hợp với thôn Đăk Giá II tổ chức phục dựng hằng năm. Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 1 hoặc tháng 2 (dương lịch). Lễ hội có ý nghĩa tôn vinh hạt lúa của giàng, cúng các vị thần linh như thần sông, núi, mưa, sấm và thần mùa màng để cho mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho no ấm.
Ông Trần Văn Mậu - Chủ tịch UBND xã Đăk Ang cho biết: Trên địa bàn xã có 6 thôn, dân tộc Xơ Đăng chiếm trên 80% dân số. Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, như: Hội thi Cồng chiêng - múa xoang, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc, Liên hoan giao lưu văn hóa thể thao và ẩm thực các dân tộc. Qua các dịp này, giúp người dân hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình để chung tay gìn giữ, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, xã có trên 100 người duy trì và phát triển các nghề truyền thống; lưu giữ hơn 15 bộ cồng chiêng.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để các đội cồng chiêng tham gia các sự kiện, lễ hội văn hóa của địa phương; đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, nhạc cụ truyền thống của các nghệ nhân trong xã.
Mai Vàng