Người Xơ Đăng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
Huyện Tu Mơ Rông là vùng đất cách mạng, có hơn 95% dân số là người Xơ Đăng. Bao đời nay, bà con nơi đây bám rừng, bám núi sống quần tụ dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ. Trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi nhưng người Xơ Đăng nơi đây vẫn lưu giữ và bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
|
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động sưu tầm, khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn. Cùng với đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động bà con Xơ Đăng bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống.
Đến nay, qua rà soát, huyện có trên 200 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc như klông put, klong tap, ting ning. Đặc biệt, người Xơ Đăng nơi đây vẫn gìn giữ được 12 lễ hội tiêu biểu mang nét đặc sắc riêng, như lễ hội mừng lúa mới, lễ trỉa lúa, mừng năm mới.
Đăk Na là một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của Tu Mơ Rông với 100% dân số là người Xơ Đăng. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con Xơ Đăng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng và phong phú và mang sắc thái riêng. Nhiều bộ cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn
klông pút, các làn điệu dân ca và đặc biệt, các lễ hội như lễ ăn lúa mới, lễ bắc máng nước, lễ cồng chiêng vẫn được bà con chung tay gìn giữ.
Đến nay, 100% thôn, làng ở xã Đăk Na đều có đội văn nghệ, nghệ nhân và có nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng ở từng thôn. Xã vẫn lưu giữ được hàng chục bộ cồng chiêng của các hộ gia đình, cá nhân. Xã cũng có hơn 100 người biết đánh cồng chiêng, trong đó, có nhiều nghệ nhân giỏi, không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn biết kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng như nghệ nhân A Ngự (thôn Đăk Riếp 2), A Nhục (thôn Mô Bành 1).
Ông A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Người Xơ Đăng ở đây rất có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, đến nay, 100% thôn, làng đều có đội cồng chiêng, múa xoang, nhiều lễ hội vẫn được gìn giữ. 12 thôn, làng đều có nhà rông, mỗi nhà rông đều có những nét khác nhau.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hòa - Phó trưởng Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Tu Mơ Rông cho biết: Người Xơ Đăng trên địa bàn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Hiện nay, bà con vẫn duy trì 12 lễ hội truyền thống xoay quanh vòng đời người và sản xuất nông nghiệp như lễ cầu mưa, lễ sửa máng nước, lễ phát rẫy, lễ thổi tai, lễ ăn lúa kho, lễ bắc máng nước. Mục đích là cầu cho cá nhân và cộng đồng làng sức khỏe, mùa màng xanh tốt bội thu. Nhìn chung, bà con Xơ Đăng trên địa bàn đã nêu cao ý thức tự giác trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng. Đặc biệt, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng đều rất có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc.
|
Hun đúc niềm đam mê cho thế hệ trẻ
Điều đáng mừng, để nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, các trường học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã chủ động liên hệ với nghệ nhân trên địa bàn mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Nhờ đó, đến nay, huyện có 12 trường học xây dựng đội cồng chiêng xoang trong trường học. Các đội cồng chiêng này thường xuyên tham hội thi cồng chiêng, múa xoang dành cho thanh thiếu niên các trường học do huyện tổ chức hằng năm.
Trường THCS bán trú DTTS Tu Mơ Rông là một trong những trường học đầu tiên của huyện chủ động mời nghệ nhân đến dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Từ năm học 2021-2022, trường đã mời nghệ nhân giảng dạy cho học sinh lớp 8 và lớp 9 trong trường. Đến nay, nhà trường đã mở được nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa xoang với hàng trăm học sinh người DTTS ở tất cả các khối lớp tham gia.
Thầy giáo Trần Mạnh Thùy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, nhà trường rất quan tâm đến việc lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng trên địa bàn. Do đó đơn vị chủ động đã mời nghệ nhân về giảng dạy cho các em. Qua đó, hun đúc tình yêu và niềm đam mê cho thế hệ trẻ để nêu cao ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trên địa bàn có 12/24 đơn vị trường học từ bậc Mầm non đến THCS tổ chức dạy cồng chiêng cho học sinh. Thời gian đầu, học sinh chưa thật sự đam mê, nhưng dần dần các em yêu thích và nhiệt tình tham gia biểu diễn trong những buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các trường tổ chức truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh, từ đó, tạo điều kiện để các em trải nghiệm, mang lại hứng thú cho học sinh khi đến trường.
Hà Nam