Nắng chia nửa đèo Măng Đen
Ai đã từng một lần đến Măng Đen (huyện Kon Plông) đều sẽ có ấn tượng khó phai về cảnh quan nơi đây. Buổi sáng mặt trời nhích lên tới đâu thì màu sắc của núi rừng, của mây chuyển tới đó. Nắng lên, có lúc đèo Măng Đen như bị chia làm hai nửa, sườn Tây nắng, sườn Đông mưa, mọi khoảnh khắc, góc nhìn ở nơi này đều quyến rũ.
Măng Đen dường như bao hàm cái bao la của đất trời Tây Nguyên, với những ngọn núi, những cánh rừng, những thác, hồ hùng vĩ. Sương, mây bảng lảng, đôi khi chỉ cần ngửa mặt đưa tay lên là chạm vào mây. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: "Một dãy núi hai màu mây/Nơi nắng mưa khí trời cũng khác/Như anh với em, như Nam với Bắc/Như Đông với Tây một dải rừng liền…"
Nếu mùa hè, Măng Đen mướt một màu xanh, thì khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm sau, Măng Đen lại khoác chiếc áo vàng ươm của màu lúa chín trên các thửa ruộng bậc thang dọc các sườn núi, nhìn tựa như đang đi giữa các cánh đồng vùng Tây Bắc vậy.
Măng Đen luôn mang trong mình sự hấp dẫn, mê hoặc đến kỳ lạ. Nhiều người khi nhắc đến núi rừng vội nghĩ ngay đến Đà Lạt - Một địa danh quá quen thuộc và nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, dọc trên chiều dài của Tây Nguyên có những điểm đến hoang sơ mà thú vị vô cùng. Măng Đen là một trong những nơi như thế. Tại nơi này, nét đẹp của vùng đại ngàn lộng gió luôn hiện diện trong từng ngõ ngách của thiên nhiên và cuộc sống.
Người dân nơi đây trìu mến gọi Măng Đen là vùng đất bảy hồ ba thác gắn liền với truyền thuyết thần Pling tạo ra nơi đây. Đó là các hồ Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam, Đăk Ke và ba ngọn thác là Pa Sỹ, Đăk Ke và Đăk Pne. Giữa màu xanh ngút ngàn của rừng, màu trắng bạc của hồ thác nước, khe suối róc rách càng khiến cho Măng Đen thêm lộng lẫy như bức tranh thủy mặc.
|
Nếu xuất phát từ thành phố Kon Tum, du khách chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ thì có thể đến Măng Đen đi dạo qua những trảng rừng, suối, thác, leo núi, ngắm hoa… thưởng thức các món ăn như heo quay, gà nướng, lẩu cá tầm, xôi măng, gỏi chuối rừng, cơm lam… cùng rượu vang sim, cảm nhận hương vị đậm chất Măng Đen.
Để lắng lòng và thấm sâu với Măng Đen, tôi đã nhiều lần mắc võng trong rừng Măng Đen. Đến Măng Đen mà không được ngủ trong rừng thông cũng là một thiếu sót. Ban trưa, nghe tiếng chim hót, thông reo, gió đại ngàn thổi nhẹ nhàng, nắng xuyên qua lớp sương mù mỏng, cảm giác se se lạnh, hương nhựa thông thoang thoảng… cảm giác như mọi buồn phiền tan biến đâu mất làm du khách díu mắt đi vào giấc trưa ngủ êm đềm.
Nửa thế kỷ trước, Huy Cận đã từng ru ai ngủ: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi/Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/Sợi buồn con nhện giăng mau/Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...”. Huy Cận chỉ ước mộng được “bình thường” làm vơi dịu những khát khao giằng xé mà quên đi đời lắm gian truân…
Còn với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết về hai nhánh Trường Sơn huyền thoại trong nhạc phẩm “Sợi nhớ, sợi thương”: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt, bên mưa quây…”. Dường như Măng Đen hội đủ những cung bậc cảm xúc yếu tố của Đông, Tây Trường Sơn, gợi nhớ một vùng ký ức. Măng Đen đang chờ đón, dệt dịu những tâm hồn nghệ sĩ…
|
Với thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, người dân thân thiện, Măng Đen đang có nhiều dự án đầu tư để phát triển du lịch. Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, trong năm 2016, đã có 86.000 lượt du khách đến Măng Đen, doanh thu ước đạt 20,5 tỷ đồng. Huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử về du lịch sinh thái Măng Đen để quảng bá vùng du lịch này; thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hội An (Quảng Nam), đến nay có nhiều khách du lịch đến Măng Đen từ tour du lịch Quảng Nam.
Cái nắng nhè nhẹ của những ngày cuối năm đủ làm nổi bật những tuyến đường mới xây dựng tại khu du lịch sinh thái Măng Đen đi qua những thôn, làng nhấp nhô xinh xắn. Đường mới hình thành, bà con bám đường mưu sinh. Huyện Kon Plông đang xây dựng hai làng văn hóa: Tu Rằng (xã Măng Cành) và Bring (xã Đăk Long) để thu hút khách du lịch. Khu du lịch sinh thái Măng Đen đang ngày một khởi sắc, thuộc tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên” đã được kết nối với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh”…
Dương Lê