Men say của Nú Vai
Tết đến, thêm chút men say cho người làng thêm vui mừng, ấm áp. Cũng như đồng bào các dân tộc anh em ở Bắc Tây Nguyên, rượu ghè của người Gié- Triêng được làm từ cây lá, hoa hạt núi rừng luôn làm say lòng người. Ghè của đồng bào ở Nú Vai (xã Kroong, huyện Đăk Glei) càng thơm đượm nhờ cách làm rất riêng, không phải ở đâu cũng có.
Nú Vai nằm lọt giữa thung sâu bốn bề rừng núi xanh xanh. Từ trung tâm xã về đây không xa, dù phải men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo dưới chân đồi. Ngày trước, mỗi lần về làng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sau vụ thu rẫy, dường như hằng ngày, nhà nào cũng dùng rượu ghè, có khi còn thay cả nước uống.
Đem điều này nói với Y Ung, chị cười hồn hậu, bảo: Đúng là trước đây, làng mình có thế thật, nhưng sau này thì khác rồi. Phần vì phần nhiều thời gian đều tập trung cho sản xuất, trồng cây cao su, bời lời và các loại cho sản phẩm hàng hóa để tăng thu nhập. Mặt khác, nếp sống văn hóa cũng khiến bà con thường dành rượu ghè cho hội lớn, lễ tết, liên hoan gia đình và cộng đồng. Riêng Tết đến thì không thiếu rượu cần truyền thống được!
Rượu ghè của người Nú Vai được làm chủ yếu từ mì gòn, nếp rẫy. Không chỉ thơm hương, vị đượm rất quyến rũ, nước rượu còn có màu vàng nhạt và trong veo, chứ không đục như rượu ghè của một số dân tộc anh em khác.
|
Chị Y Niễm (60 tuổi) - một trong số phụ nữ lớn tuổi hiện còn giỏi làm rượu ghè ở làng cho hay, được như vậy, tuy không khó, nhưng nó được làm từ một loại men mang “thương hiệu” của người Nú Vai. Theo đó, có ít nhất 12 loại thân, lá, rễ cây rừng được dùng làm men, song quyết định đến chất lượng và hương vị của rượu cần thì phải kể đến 3 loại chính. Đó là lá ngon, lá num và rễ măng nong. Trong khi lá num mọc gần như quanh năm, thì độc đáo nhất, lá ngon (thuộc họ thân cỏ) chỉ sinh trưởng trong rừng sâu trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Do đó, thời điểm làm men rượu thích hợp nhất cũng thường chỉ tập trung trong tháng 11 hằng năm. Ngoài thời điểm này, men rượu không còn “như ý” nữa.
Theo chị Y Ung, để làm men rượu, lấy các loại thân, lá, rễ cây rừng (trong đó, không thể thiếu lá ngon, lá num, măng nong) giã nát, vắt lấy nước cốt, trộn với bột gạo. Loại bột dẻo này được nắm thành từng miếng tròn dẹp bằng miệng chiếc ly nhỏ và dùng ngón tay ấn nhẹ, tạo thành một lỗ tròn ở giữa. Đem chiếc “bánh” men phơi nắng chừng 4-5 ngày cho thật khô, sau đó, đựng trong ống nứa, cất nơi gác bếp. Như vậy, bánh men làm chủ yếu trong khoảng 1 tháng được dùng trong cả năm. Khi làm rượu ghè, men rượu giã nát, rây mịn, trộn với mì gòn (cắt khúc), hoặc nếp rẫy nấu chín, giỡ ra, để nguội. Rượu ủ trong khoảng 5-6 ngày thì dùng được. Tùy vào kinh nghiệm thực tế của chị em, mà cần lượng men rượu vừa đủ với lượng mì (hay nếp) để cho ra thứ rượu ngon nhất.
|
Khi đã có sẵn men rồi, có thể làm rượu ghè hầu như quanh năm, song vẫn cần lưu ý, không làm vào tháng năm, vì thời gian này, nhiều khi rượu thường bị chua.
Tự hào về nghề truyền thống, giờ đây, chị em ở Nú Vai vẫn siêng năng và khéo léo làm ra những ghè rượu say lòng người, được giới thiệu và yêu thích tại các lễ hội của địa phương, các sự kiện văn hóa của huyện, của tỉnh.
Với “bí kíp” đơn giản mà độc đáo, người Gié- Triêng làng Nú Vai đã làm nên loại rượu ghè “thương hiệu” của mình và mong muốn có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP để tham gia thị trường.
Thanh Như