Kon Rẫy: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch hiệu quả
Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống, huyện Kon Rẫy có nhiều tiềm năng cần được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tiềm năng về tự nhiên để khai thác phát triển du lịch trên địa bàn huyện Kon Rẫy là rất đa dạng, phong phú, bởi nơi đây được “thiên nhiên ban tặng” hệ thống thác, sông, suối, hồ đa dạng, nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Trong đó có nhiều địa điểm được du khách yêu thích như thác Kôi Tó, thác Bring, thác Đăk Sờ Nghé, lòng hồ Thủy điện, suối Đăk Pne.
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, người dân một lòng theo Đảng và Bác Hồ trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, trở thành địa điểm tham quan, nghiên cứu của nhiều đoàn khách du lịch với 3 di tích cấp tỉnh cùng nhiều di tích khác đang được tu bổ, trùng tu.
Đến với Kon Rẫy, du khách còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa tại các ngôi làng truyền thống, chứng kiến những ngôi nhà rông, nhà sàn đậm chất Tây Nguyên, đắm mình trong không gian đậm đà bản sắc của đồng bào DTTS với các lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.
|
Làng Kon Săm Lũ (xã Đăk Tờ Re) là ngôi làng lâu đời của người Rơ Ngao (Ba Na) còn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Thời gian qua, với sự vận động của chính quyền xã Đăk Tờ Re, nhiều hộ dân tại làng Kon Săm Lũ đã biết tu bổ, giữ gìn lại những nếp nhà sàn, nhà rông truyền thống, cải tạo vườn tược, trồng cây xanh thoáng mát, lưu giữ các vật dụng sinh hoạt truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc để tạo nên nét văn hóa đặc sắc bản địa, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Nằm cách không xa trung tâm làng Kon Săm Lũ, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay Hoàng Ánh Kon Săm Lũ hiện là một trong những nơi “hút khách” tại địa phương, nhất là vào dịp cuối tuần.
Được thành lập vào năm 2022, hiện cơ sở du lịch này đã đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Nơi đây như một “quần thể” văn hóa Ba Na thu nhỏ với nhà rông trung tâm nằm chính giữa, xung quanh gồm nhiều nhà sàn bằng tre, nứa, gỗ phục vụ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho du khách với gần 30 phòng. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên độc đáo, cùng sự phục vụ nhiệt tình, mến khách của người dân nên điểm du lịch luôn duy trì lượng khách đều đặn hàng tuần.
Ông Lương Bá Hoàng- Giám đốc Khu du lịch Hoàng Ánh Kon Săm Lũ cho biết: Thời gian gần đây, nhận thấy khách du lịch có nhu cầu tham quan, trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên, nên tôi đã cải tạo, sửa sang lại homestay, liên kết với các hộ dân, nghệ nhân người Ba Na để phát triển thêm các sản phẩm về ẩm thực, văn nghệ dân gian, tạo thành chuỗi sản phẩm thu hút du khách. Sau một ngày trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, tham quan nghề gốm, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm của người Ba Na, tối đến khách có thể thưởng thức rượu cần, gà nướng, cơm lam, xem biểu diễn cồng chiêng, xoang. Việc kinh doanh du lịch homestay không những mang lại thu nhập mà còn giúp quảng bá được nét đẹp văn hóa của người dân bản địa đến du khách.
|
Ông Phạm Viết Thạch- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết, với lợi thế sẵn có về văn hóa, thiên nhiên và con người, huyện Kon Rẫy tích cực vận động, tuyên truyền người dân, các tổ chức, cá nhân làm du lịch chú trọng xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, văn hóa tại chỗ. Trong đó, khuyến khích người dân, các hộ làm homestay chỉnh trang lại nhà cửa, cải tạo vườn tạp, trồng thêm nhiều cây xanh để bảo vệ cảnh quan, tạo không khí trong lành, mát mẻ. Từ đó, không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, với tiềm năng vốn có, nếu so với các địa phương khác thì việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Kon Rẫy còn chậm. Đến hiện tại, huyện Kon Rẫy vẫn chưa có điểm, làng du lịch được công nhận cấp tỉnh; lượng khách đến tham quan, du lịch, lưu trú tại địa phương còn ít, chưa phân bổ đều ở các điểm du lịch và các thời điểm khác nhau trong năm.
Nguyên nhân của những hạn chế trên đến từ nhiều mặt, nhưng dễ nhận thấy nhất đó là, mặc dù ý thức làm du lịch của người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã được nâng lên, nhưng còn ở mức thấp, các sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Mặt khác, tiềm lực về vốn, con người làm du lịch trên địa bàn huyện còn thiếu, chưa có sự liên kết với các địa phương để xây dựng các tour, tuyến du lịch hiệu quả; nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án nhưng chưa tiến hành đầu tư.
Vì vậy, để những tiềm năng về du lịch của huyện Kon Rẫy từng bước được khai thác hiệu quả, bền vững rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của người dân trên địa bàn. Đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa cộng đồng, doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tạo sức hấp dẫn, mang đậm dấu ấn bản sắc địa phương để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đặt tour, đặt phòng, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông để kết nối hiệu quả các khu, điểm, tour, tuyến du lịch trên địa bàn.
Hoàng Thanh