Kon Plông: Phát triển du lịch đặc thù, trở thành trung tâm du lịch xanh
Với chủ trương đúng đắn của địa phương, những năm gần đây, huyện Kon Plông tập trung khai thác những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng xây dựng điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, hướng đến mô hình du lịch xanh, bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
|
Nhờ khai thác hiệu quả lợi thế, đến nay, huyện có 7 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, như: Êban Farm, Thiện Mỹ Farm, hồ Đam Bri, Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring, Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, thác Pa Sỹ…. Các mô hình du lịch tại huyện Kon Plông phong phú, đa dạng, gắn liền với thiên nhiên và bản sắc văn hóa tại chỗ.
Trong đó, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phát triển mạnh với đa dạng các loại hình nghỉ dưỡng, tham quan, dã ngoại như điểm du lịch Thác Pa Sỹ (thị trấn Măng Đen), điểm du lịch Hồ Toong Rơ Poong (Đăk Ke); du lịch nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen; điểm du lịch vu chơi giải trí Măng Đen Treehouse Village; du lịch cộng đồng làng Kon Pring, làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen), làng Kon Chênh (xã Măng Cành); làng du lịch cộng đồng thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng).
Loại hình du lịch thể thao, dã ngoại cũng được đẩy mạnh với các hoạt động trekking, săn mây, cắm trại đồng cỏ, đạp xe xuyên rừng. Du lịch văn hóa - tâm linh được đẩy mạnh khai thác, nổi bật với các hoạt động tham quan, tìm hiểu quần thể chùa Khánh Lâm, Tượng đài chiến thắng Măng Đen gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện.
Nhằm giữ gìn bản sắc và tạo nét độc đáo cho không gian du lịch, huyện còn tổ chức Chợ phiên Măng Đen vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Qua đó trưng bày, bán các sản phẩm thủ công, nông sản địa phương, biểu diễn văn hóa truyền thống ngay tại chợ. Bên cạnh đó, Vườn Nghệ thuật Măng Đen với nghệ thuật sắp đặt từ đá, lũa, tre gỗ... trở thành điểm tham quan ấn tượng, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của các dân tộc; Khu phố đêm Măng Đen được thiết kế là không gian văn hóa, ẩm thực, giải trí, thân thiện với môi trường gồm: khu check - in, mua sắm, sân khấu biểu diễn nghệ thuật, không gian phục vụ du khách thưởng thức các món ẩm thực và đồ uống đa dạng mang đặc trưng của địa phương. Tất cả góp phần đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm và du lịch trải nghiệm cho người dân, du khách khi đến Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.
Nhờ sự đầu tư bài bản, lượng khách du lịch đến Khu du lịch Măng Đen tăng mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2022-2024, khu du lịch sinh thái Măng Đen đón khoảng 2,84 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 5.000 lượt. Nguồn thu từ du lịch tăng đáng kể, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương; trong đó năm 2022 đạt 180 tỷ đồng; năm 2023 đạt 110 tỷ đồng, năm 2024 đạt 420 tỷ đồng.
Nhằm tạo cú hích, động lực cho huyện bứt phá trên bản đồ du lịch xanh, sinh thái của cả nước, ngày 8/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 với quy mô hơn 90.000 ha. Qua đó, định hướng phát triển thành điểm đến du lịch xanh tiêu biểu, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Song song với việc phát triển du lịch sinh thái, huyện còn quan tâm đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, đặt mục tiêu đến năm 2030 có từ 8-10 thôn làng du lịch cộng đồng cấp tỉnh.
Hiện nay, thôn Kon Chênh (xã Măng Cành) được tỉnh chọn làm điểm để phát triển du lịch cộng đồng. Thôn có 110 hộ với gần 90% là người Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm). Người dân nơi đây đang tích cực tham gia phát triển du lịch: cải tạo nhà cửa làm homestay, gìn giữ văn hóa tại chỗ, liên kết sản xuất cà phê xứ lạnh đặc sản phục vụ du khách. Đến nay, thôn có 10 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có 6 hộ đang hoạt động ổn định, phục vụ du khách thường xuyên.
Chị Y Tuấn (làng Kon Chênh), là một trong những hộ kinh doanh homestay hiệu quả tại địa phương, chia sẻ: “Được chính quyền định hướng và hỗ trợ, gia đình tôi làm du lịch cộng đồng đã hơn 3 năm nay, kinh tế gia đình khá hơn trước rất nhiều, cao hơn hẳn so với làm nông. Tôi đã cải tạo, xây dựng được 6 phòng cá nhân và 2 phòng tập thể để phục vụ khách lưu trú, sinh hoạt. Ngoài ra, khách đến homestay còn có thể trải nghiệm nét văn hóa như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nấu các món ăn truyền thống ngay tại chỗ, thưởng thức những món đặc sản của làng. Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện homestay, làm cho không gian đẹp hơn, trang trọng hơn và đầy đủ tiện nghi hơn để phục vụ khách tốt nhất".
|
Nhận thức rõ rừng là "lá phổi xanh" tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững, huyện Kon Plông còn chú trọng công tác giữ rừng, trồng rừng, trồng cây xanh, cây phân tán. Đặc biệt, huyện đang triển khai đề án trồng 1 triệu cây mai anh đào, nhằm xây dựng Khu du lịch Măng Đen thành “thị trấn mai anh đào” của Tây Nguyên tạo nên cảnh quan đặc trưng riêng biệt. Đến nay, thị trấn Măng Đen trồng khoảng 4.000 gốc mai anh đào, tại những tuyến đường, khu du lịch, công viên, khu vui chơi công cộng.
Với quyết tâm của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, huyện Kon Plông đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, gìn giữ hiệu quả những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Hoàng Thanh