Kon Plông: Gắn kết di sản văn hóa và du lịch cộng đồng
Từ nguồn lực di sản văn hóa, các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Kon Plông đã hình thành, phát triển. Đặc biệt, thông qua du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Ông Đặng Đình Toán - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú cùng nhiều thác nước đẹp, địa hình, sông núi, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Xơ Đăng, Hrê thông qua tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội.
Vì vậy, huyện luôn xác định việc khai thác các di sản văn hóa sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách. Ngược lại, khi du lịch phát triển sẽ tạo ra nguồn lực quan trọng đóng góp vào công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Trên cơ sở đó, những năm qua huyện đã triển khai có hiệu quả việc gắn các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng.
|
UBND huyện ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 17/6/2024 về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Kon Plông giai đoạn 2024 - 2025, trong đó, tiếp tục duy trì và phát triển 2 làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) và Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng); đồng thời, chọn thôn Kon Chênh (xã Măng Cành), Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen) để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Để phát triển du lịch cộng đồng, chính những người tham gia phải khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nhằm phục vụ khách tham quan. Qua đó, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mai một đã được “hồi sinh” mạnh mẽ.
|
Được lựa chọn xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen) có gần 150 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) sinh sống. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, thôn cách trung tâm thị trấn Măng Đen gần 5km, do đó dễ dàng kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng như thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke. Đồng thời, người dân nơi đây còn giữ được môi trường tự nhiên tương đối hoang sơ cũng như văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mơ Nâm tại chỗ.
Bà Y Hiệp - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen cho biết: Thời gian qua, địa phương chủ động tuyên truyền người dân thôn Kon Vơng Kia xây dựng, phục hồi lại nhiều nét văn hóa truyền thống để đáp ứng cho kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, hằng năm, địa phương đều phối hợp với Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho người dân. Qua đó, thôn đã thành lập được đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng trẻ. Các đội thường xuyên luyện tập và tích cực tham gia nhiều chương trình, hội nghị của xã, huyện, từ đó góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, Hội LHPN thị trấn cũng ra mắt Tổ dệt thổ cẩm của thôn, đến nay đã có 20 chị em tham gia. Với tay nghề thành thạo, các chị em đều tự dệt những sản phẩm thổ cẩm để phục vụ gia đình và bán cho khách hàng có nhu cầu. Ngoài ra, ở thôn Kon Vơng Kia còn nhiều gia đình giữ nghề nấu rượu cần, đan lát, tạc tượng gỗ, chế tác nhạc cụ truyền thống. Địa phương thường xuyên vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa và truyền nghề lại cho con cháu.
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, người dân trong thôn Kon Vơng Kia đang dần thay đổi tư duy, nhận thức, chung tay cùng địa phương xây dựng thôn trở thành địa điểm du lịch cộng đồng trong tương lai.
Kon Chênh là một trong những thôn của xã Măng Cành còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa như cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các nghi lễ và một số nghề truyền thống của người Mơ Nâm. Nghệ nhân A Lễ chia sẻ: “Người dân rất hồ hởi khi thôn Kon Chênh phát triển du lịch cộng đồng, đón khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, từ đó có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Theo ông A Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Cành, khi đi vào hoạt động du lịch cộng đồng, thôn định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng như trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào Mơ Nâm; trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, ẩm thực và giao lưu giữa các cộng đồng; tham quan cảnh quan thiên nhiên, kết nối các điểm đến trên hành trình du lịch.
“Thời gian tới, xã sẽ lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông, sửa chữa thiết chế văn hóa của thôn. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư liên kết với người dân làm các homestay; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng - xoang và các nghề truyền thống cho người dân”- Ông A Xinh cho hay.
Mai Vàng