Khai thác tiềm năng du lịch để phát triển bền vững
Với nhiều lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và lịch sử văn hóa truyền thống, những năm qua, tỉnh ta chú trọng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng về du lịch để phát triển bền vững.
Ông Đỗ Văn Minh- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, tỉnh ta đang không ngừng sáng tạo, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cụ thể hóa bằng những chương trình, chính sách hiệu quả trong việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên tập trung triển khai các giải pháp hướng du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
|
Thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu, tranh thủ sự ủng hộ, chia sẻ, hợp tác của các bộ, cơ quan, ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp lữ hành để tạo “lực” đẩy nhanh quá trình phát triển du lịch của tỉnh nhà. Các hoạt động hướng đến khai thác các tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, văn hóa và con người của địa phương nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn. Đồng thời, chú trọng liên kết vùng, quảng bá, phối hợp tuyên truyền trong các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo, trao đổi nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Các giải pháp đa dạng đều hướng đến phát triển du lịch bền vững, toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu lao động và kinh tế của tỉnh.
Nhờ đó, lĩnh vực du lịch của tỉnh ngày càng phát triển mạnh, từng bước đổi mới về cả nội dung và hình thức, thu hút đông đảo du khách đến với Kon Tum. Tỉnh đang dần nâng cao vị thế của mình trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước, thu hút nhiều du khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương.
Theo thống kê, lượng khách du lịch đến với Kon Tum ngày càng tăng qua các năm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ta thu hút gần 711.000 lượt khách (đạt 158% so với cùng kỳ năm 2022) với doanh thu đạt 306.4 tỷ đồng; trong đó khách quốc tế đạt 700 lượt người. Chất lượng dịch vụ du lịch và tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch của tỉnh luôn được đảm bảo, được du khách đánh giá cao.
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỉnh ta hiện có 166 cơ sở lưu trú với công suất khoảng 2.460 phòng. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch là 1.833 người.
|
Theo ông Đỗ Văn Minh, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành du lịch tỉnh có những bước đi vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Để khai thác tốt hơn thế mạnh sẵn có, tỉnh ta vẫn xác định phát triển du lịch bền vững, hướng đến du lịch xanh, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao trách nhiệm và lòng tự hào quê hương của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng Kon Tum thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách, đặc sắc, hấp dẫn.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, mở rộng và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng khuyến khích xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng riêng, trọng tâm là sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính đặc trưng, riêng có như: Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn tại huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum; đu dây, chèo thuyền vượt ghềnh thác trên các lòng hồ thủy điện Sê San, Ya Ly, Plei Krông, thủy điện Thượng Kon Tum; du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông).
Trong năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu thu hút 1,3 triệu lượt khách du lịch. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với những lợi thế được thiên nhiên và lịch sử ban tặng, cùng với sự nỗ lực của các cấp ngành, đồng lòng của người dân, ngành du lịch tỉnh ta sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong tương lai, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đề ra.
Hoàng Thanh