Hội thảo 50 năm Văn học - Nghệ thuật Kon Tum sau ngày thống nhất đất nước
Sáng 3/4, tại Bảo tàng tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo "50 năm Văn học – Nghệ thuật Kon Tum sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)". Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện sự phát triển của văn học - nghệ thuật Kon Tum trong nửa thế kỷ qua, khẳng định những thành tựu, chỉ ra hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
|
|
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Su Giang - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhấn mạnh, trong 50 năm qua, văn học - nghệ thuật Kon Tum đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phản ánh sinh động đời sống lao động, chiến đấu và khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được thành lập năm 1994, hoạt động sáng tác ngày càng khởi sắc, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời, tạo dấu ấn trong khu vực và toàn quốc.
Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều tham luận giá trị được trình bày, phản ánh sự phát triển đa dạng của văn học - nghệ thuật Kon Tum. Đồng chí Đinh Su Giang trình bày tham luận "Văn học - Nghệ thuật Kon Tum sau 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025)", khái quát hành trình phát triển của văn học - nghệ thuật tỉnh nhà. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ với tham luận "Thực trạng văn học - nghệ thuật Kon Tum 50 năm qua" đã nêu rõ những thành tựu và thách thức đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhà thơ Hoàng Việt với tham luận "50 năm của chuyên ngành Văn học" phân tích vai trò của các tác phẩm văn học trong việc phản ánh lịch sử, con người và văn hóa Kon Tum.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật các DTTS, ông Lê Văn Thiềng - Chi hội trưởng Văn học - Nghệ thuật các DTTS, trình bày tham luận “Tôn vinh văn nghệ sĩ DTTS”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ sáng tác người DTTS trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Lĩnh vực nhiếp ảnh được đề cập qua tham luận “Nhiếp ảnh Kon Tum: Thực trạng và giải pháp” của ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng chuyên ngành Nhiếp ảnh. Trong khi đó, ngành mỹ thuật cũng thu hút sự quan tâm với tham luận “Mỹ thuật Kon Tum: Thành tựu, thách thức và triển vọng” do họa sĩ Quang Sực trình bày.
Về âm nhạc, Nghệ sĩ ưu tú A Đủh trình bày tham luận “Âm nhạc dân gian các DTTS Kon Tum và vài điều trăn trở trong đời sống âm nhạc hiện nay”, phân tích những vấn đề trong bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, văn học dân gian cũng được quan tâm với tham luận “Sử thi các dân tộc ở Kon Tum – Những vấn đề đặt ra” của Nghệ nhân ưu tú A Jar, chỉ ra những thách thức trong công tác nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị sử thi.
|
Hội thảo là dịp để các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phát triển văn học - nghệ thuật Kon Tum trong thời gian tới, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Y Đô