“Hạt giống” của làng
Sinh ra và lớn lên từ nhỏ ở làng, được nuôi dưỡng tâm hồn bằng “mạch nguồn” văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân nhỏ tuổi người DTTS đã tích cực tập luyện, theo đuổi các loại hình văn hóa, âm nhạc dân gian để trở thành những “hạt giống” quý, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một chiều cuối năm, sau nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được các nghệ nhân nhí tại làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) tại một buổi tập luyện dưới mái nhà rông truyền thống. Thành lập vào năm 2023, đội nghệ nhân nhí của làng hiện có 30 thành viên (14 nam, 16 nữ), các em chủ yếu tập luyện đánh cồng chiêng và múa xoang. Cả đội đang hăng say tập bài “Mừng ngày vui” để chuẩn bị cho lễ hội làng cùng những cuộc thi văn hóa, văn nghệ sắp đến vào dịp cuối năm.
Chúng tôi ấn tượng với em Thao Chăm Tha-14 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Bờ Y (xã Pờ Y) bởi cách đánh chiêng đầy hào hứng, say mê. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống văn hoá văn nghệ nhưng với em Thao Chăm Tha, các giai điệu truyền thống có sức hút đến lạ. Được thầy cô trên trường cùng các nghệ nhân trong làng vận động, em tham gia đội chiêng nhí của làng từ những ngày đầu thành lập và tiến bộ rất nhanh, trở thành một trong những tay chiêng nổi trội nhất.
|
Em Thao Chăm Tha vừa tập luyện, vừa hào hứng khoe: Từ nhỏ em thường đi xem các nghệ nhân lớn tuổi biểu diễn ở các lễ hội và bị thu hút bởi tiếng chiêng, nghe và thuộc lúc nào không hay. Khi tham gia đội chiêng của làng và được người lớn chỉ dạy, em rất hăng say tập luyện, hiếm khi nghỉ học buổi nào. Sắp tới vào dịp xuân về sẽ có nhiều lễ hội, cuộc thi nên chúng em đang tích cực ôn lại bài để cùng các nghệ nhân lớn tuổi đi biểu diễn.
Theo điệu tấu nhịp nhàng của cồng chiêng, đội xoang nhí của làng Đăk Mế cũng rộn ràng, hào hứng không kém với những điệu xoang vui nhộn. Các em gái nhỏ từ 9 - 14 tuổi với khuôn mặt rạng ngời, nụ cười tươi tắn bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhún nhảy, thả hồn vào những giai điệu mộc mạc, trầm ấm của chiêng.
Được “tiếp lửa” từ ông ngoại của mình là nghệ nhân A Miu có tiếng tại làng Đăk Mế về truyền dạy cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống, em Nguyễn Hoàng Diễm My - 10 tuổi, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Pờ Y) đã tích cực tham gia đội nghệ nhân nhí của làng được 2 năm. Đến nay, em đã thành thục nhiều điệu xoang cơ bản của dân tộc mình. Các bài xoang đã khiến em thích thú, say mê tìm hiểu và tập luyện sau những giờ học căng thẳng trên trường.
Em Nguyễn Hoàng Diễm My chia sẻ: Em tham gia đội xoang của làng khi học lớp 3. Đến nay, sau hơn 2 năm tập luyện, em đã thành thạo những điệu múa cơ bản để biểu diễn trong những lễ hội của dân tộc mình. Việc tập luyện đã giúp em thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của cha ông, giúp em tự tin, hòa đồng và có nhiều bạn bè hơn. Ngoài múa xoang, sau này em còn mong muốn được các thầy chỉ dạy thêm những môn truyền thống khác.
Trong dịp ghé thăm làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), chúng tôi được tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của bà con tại đây, trong đó đặc biệt ấn tượng với đội nghệ nhân thanh thiếu niên của làng với 25 em (15 nam, 10 nữ) có độ tuổi từ 8 - 15. Với lối chơi chiêng, múa xoang sáng tạo, trong sáng, tươi vui, các nghệ nhân nhỏ tuổi đã mang lại luồng sinh khí mới mẻ, tràn đầy hứng khởi cho các tiết mục biểu diễn của làng Đăk Rô Gia tại các cuộc thi, dịp lễ hội. Tiêu biểu như tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang huyện Đăk Tô hàng năm, đội nghệ nhân làng Đăk Rô Gia luôn đạt giải Nhất toàn đoàn, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các nghệ nhân nhí.
|
Thừa hưởng năng khiếu từ bố của mình, từ khi còn nhỏ, em A Đăk (15 tuổi, làng Đăk Rô Gia) đã có thể đếm nhịp, “bắt” được các nốt trong giàn cồng chiêng khi nghe bằng tai. Nhờ đó, khi tham gia đội chiêng nhí của làng, A Đăk nhanh chóng tiến bộ và được giao trọng trách đánh chiêng số 6, giữ nhịp, “sửa sai” cho cả đội khi biểu diễn.
Em A Đăk chia sẻ: Từ ngày biết đánh chiêng em đã cùng các thành viên trong đội đi biểu diễn nhiều nơi. Được biểu diễn trước khán giả và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khiến em cảm thấy tự hào, có thể giới thiệu nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc đến mọi người. Chúng em luôn cố gắng biểu diễn hay nhất có thể và được mọi người vỗ tay khen nhiều lắm, em cảm thấy rất vui.
Anh A Ngực - Trưởng thôn Đăk Rô Gia, là người tâm huyết với phong trào văn hóa văn nghệ tại thôn, cũng là thành viên của đội cồng chiêng làng Đăk Rô Gia cho biết: Thấy mấy em nhỏ trong làng đam mê đánh chiêng, múa xoang thì mình vui lắm. Em nào có đam mê, năng khiếu thì mình ra sức vận động tham gia tập luyện để sau này còn tiếp nối, không làm mai một văn hóa truyền thống, để tiếng cồng chiêng, âm nhạc truyền thống của đồng bào Xơ Đăng không bị mất đi.
Những ngày cuối năm, không khí xuân tràn về khắp các nẻo đường, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình, tìm về thôn Kon Sơ Tiu (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) để được nghe làn điệu dân ca Cheo của người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) tại đây.
Được dân làng giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Y Der (62 tuổi, thôn Kon Sơ Tiu) là nghệ nhân có tiếng trong làng về truyền dạy múa xoang, các làn điệu dân ca Cheo của người Xơ Đăng. Bên hiên nhà, bà Y Der đang cùng cháu nội của mình là Y Lũin (15 tuổi) và vài em nhỏ trong làng tập hát dân ca bài “Bộ đội đi dân công” với giai điệu rộn ràng, vui tươi.
“Gà đã gáy rồi, thanh niên thiếu nữ dậy đi. Gà đã gáy rồi, chú bộ đội cũng dậy đi dân công rồi. Thanh niên ơi hãy dậy thôi. Dậy đi theo chú bộ đội lên chiến trường, cùng nhau đánh giặc, đem lại hòa bình cho thôn làng” – tiếng hát thánh thót, trong trẻo như chim hót của em Y Lũin cùng các bạn nhỏ vang lên thật hay và êm ái. Các em vừa hát vừa nhún nhảy, dùng 2 ống lồ ô gõ vào nhau để tạo nhịp, tạo nên bản hòa ca rất giản dị, mộc mạc nhưng đầy cuốn hút.
Được biết, em Y Lũin hiện đang là học sinh lớp 9 Trường THCS xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà). Với khả năng hát dân ca Cheo, trong năm 2024, với sự giúp sức của cô giáo hướng dẫn, em Y Lũin cùng bạn của mình là em Y Mai Trang (học sinh lớp 8, Trường THCS xã Ngọc Réo) đã đăng ký thực hiện Dự án bảo tồn làn điệu dân ca Cheo của dân tộc Xơ Đăng và đạt giải Nhất tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật gắn với các hoạt động STEM huyện Đăk Hà năm 2024. Đây là động lực để em Y Lũin cùng các bạn trẻ người Xơ Đăng đam mê hát dân ca Cheo có thêm động lực để tiếp tục cố gắng tập luyện, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Em Y Lũin chia sẻ: Trước đây em đã biết múa xoang. Được bà nội động viên, em tập thêm hát dân ca Cheo của dân tộc mình để tiếp nối ước mơ của bà và góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Hiện tại em đã hát được một số bài hát dân ca Cheo phổ biến như: Mừng lúa mới, Ru em và Bộ đội đi dân công.
Mùa Xuân là mùa của lễ hội, là dịp để những thanh âm truyền thống của đồng bào các DTTS có dịp ngân vang, tạo nên bản hòa âm đa sắc màu, mang hơi thở của đại ngàn.
Kết thúc chuyến hành trình du xuân, chúng tôi ai nấy đều thỏa mãn và hài lòng với những trải nghiệm có được. Đặc biệt, ai cũng tin rằng, chính niềm đam mê, nỗ lực của các “nghệ sĩ nhí” sẽ giúp đưa lời ca, tiếng hát, những thanh âm truyền thống của cộng đồng các DTTS đến với mọi người ngày càng nhiều hơn nữa, mãi mãi lưu truyền cho đến mai sau.
Hoàng Thanh