Gùi của người Giẻ Triêng
Cũng như các DTTS trong tỉnh, gùi của người Giẻ Triêng gồm hai loại chính là gùi thưa và gùi dày. Gùi thưa đơn giản, dễ đan; còn gùi dày thể hiện trình độ tay nghề, góp phần làm nên “thương hiệu” của người tạo ra nó. Theo hình dáng và công dụng, gùi dày chủ yếu gồm: Gùi dùng để đựng đồ (nơm), gùi để cõng hay đựng lúa (kă) và gùi ba ngăn dùng cho đàn ông đi rừng đi rẫy (k’lek).
Dù là nơm, kă hay k’lek, để có thể làm ra những chiếc gùi bền và đẹp, việc xử lý nguyên liệu rất quan trọng và là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Nguyên liệu chính (lồ ô, xăm lũ, dây mây...) lấy từ rừng về, được gác vào bên trong mái nhà hay gian bếp cho khô một cách tự nhiên. Trước khi đan, mới mang ra ngâm nước vài ba ngày cho mềm ra, rồi mới chẻ lạt, vót nan.
Gùi cõng (kă) được dùng rất phổ biến. Gùi này cao khoảng 90 cm, không có nắp đậy, dáng thon, phía trên to và nhỏ dần về phần đế, được đan chủ yếu bằng cật cây lồ ô. Thích hợp nhất là lồ ô chừng 3-4 năm tuổi. Kă thường được đan nan dẹp với cách xử lý khá công phu, tỉ mỉ. Màu để đan hoa văn theo lối truyền thống phần lớn là đen.
Kinh nghiệm lâu đời được nghệ nhân A Pét (làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) chia sẻ: Thanh nan được vót thành sợi nan rồi hơ lên khói cây thông và dùng lá tàu bi chà sát nhiều lần để màu đen thấm vào, đồng thời tạo độ bóng cho nan đan. Hoa văn trên chiếc gùi để đựng lúa chủ yếu là những đường ngang đen, hay hình thoi,vạch chéo pha màu đen và màu gốc của nan. Phần miệng kă hơi loe, được nẹp kỹ bằng thanh lồ ô mỏng và thắt lại bằng các nức dây mây rất chắc chắn.
|
Dùng để đựng quần áo, tư trang, hay những vật dụng quý trong gia đình, nên đặc điểm dễ nhận thấy của nơm (gùi đựng đồ) là luôn có nắp đậy hình chóp và được đan công phu với ba lớp. Trong đó, giữa hai lớp nan chính bằng dây mây (hay xăm lũ), còn có một lớp lá (mềm, dai, không thấm nước) được kẹp ở giữa.
Đan hai lớp là kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ tay nghề của người thợ. Theo nghệ nhân A Quá (làng Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), cách đan đáng chú ý là sau khi đan xong lớp thứ nhất, lớp thứ hai mới được đan từ phần đế lên và khi được khoảng một phần ba thân gùi thì tạm dừng đan để lót lá ở giữa. Sau khi lá được lót vào bằng với lớp nan đan đầu, mới tiếp tục đan cho đến khi hoàn thành lớp thứ hai.
Miệng nơm được làm bằng dây mây uốn vòng tròn và cạp vào thân gùi cũng bằng những nức dây mây hết sức khéo léo, tinh tế. Nắp gùi được đan kiểu như thân gùi nhưng có phần kỹ lưỡng và đẹp hơn. Đế gùi gồm 4 miếng gỗ (có độ xốp, nhẹ, song dai, không bị mối mọt, không nứt) ghép lại. Dây mây làm quai gùi được thắt hơi choãi ra, tạo thế vững chãi.
Gùi ba ngăn - k’lek dành riêng cho đàn ông Giẻ Triêng dùng khi đi rừng, đi rẫy. “Chuyên trị” với dây mây, song có khi k’lek cũng được đan bằng xăm lũ. Ngăn to nằm ở giữa thường cao từ 50-60 cm. Hai ngăn nhỏ ở hai bên và chỉ cao bằng hai phần ba ngăn giữa. Ba ngăn được đan liền nhau thành một khối thống nhất, cân đối và có độ rộng vừa đủ (30-40 cm), để ôm lấy bờ vai, khuôn lưng của người đeo. Để cho lưng được êm, ở phía trên quai gùi nơi phần miệng áp vào k’lek thường được ốp thêm miếng da con mang (hoẵng). Đặc biệt, giữa các ngăn gùi được gắn thanh gỗ (tre), có tác dụng vừa định hình dáng gùi, vừa tạo thêm độ chắc chắn cho mỗi chiếc k’lek. Mỗi thanh gỗ (tre) này đồng thời cũng được để thừa ra một đoạn ngắn ở dưới, làm thành những chiếc “đế” tự nhiên của gùi nam.
Theo ông A Nghiệp (làng Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), trong 3 loại gùi đặc trưng của người Giẻ Triêng, nơm là loại khó đan nhất vì không chỉ nhiều lớp, mà còn có nắp đậy. Riêng k’lek còn là “vật thiêng” được dùng đựng lễ vật để tiến hành nghi thức cúng Giàng trong lễ hội, hoặc được treo trên “cột thiêng” của gia đình.
Không chỉ đựng đồ, gùi còn là vật trang trí được yêu thích, là tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân. Bây giờ, tuy không còn nhiều nghệ nhân có khả năng làm ra các sản phẩm này, song gùi đựng lúa, cõng lúa vẫn được dùng khá phổ biến trong lao động sản xuất của người Giẻ Triêng. Nơm và k’lek thì luôn được nâng niu, gìn giữ như niềm tự hào của các nghệ nhân cũng như mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư.
Thanh Như