Gìn giữ thang âm cổ cồng chiêng
Với sự nỗ lực bảo tồn của các cấp ủy, chính quyền và người dân, văn hoá cồng chiêng đang dần được hồi sinh mạnh mẽ ở khắp các buôn làng. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là rất nhiều bộ chiêng đã không còn giữ được thang âm cổ, mà bị lai tạp, thậm chí được chỉnh theo thang âm các nhạc cụ hiện đại.
Thang âm cổ trong cồng chiêng được hiểu là một hệ thống âm thanh có mối tương quan cao độ giữa các cồng chiêng trong một bộ được điều chỉnh chuẩn xác đã tồn tại từ xa xưa.
Đối với nghệ thuật cồng chiêng, thang âm giữ một vai trò quan trọng, cứ tưởng tượng dàn cồng chiêng là một cây đàn khổng lồ mà mỗi chiếc chiêng là một nốt nhạc, nếu các nốt phô thì sẽ không hoàn thành được bản nhạc hoàn hảo. Nghiêm trọng hơn, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, không giữ được thang âm cồng chiêng đồng nghĩa với việc đánh mất sự phong phú, đa dạng, đánh mất bản sắc tộc người.
Cuối năm 2022, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền được mời làm giám khảo Hội thi Cồng chiêng tỉnh Kon Tum lần thứ nhất. Qua Hội thi, ông thấy rõ hơn sự biến mất của thang âm cổ trong “dàn nhạc kỳ vĩ”. Đứng trước nguy cơ mai một của di sản âm nhạc cồng chiêng, ông đầy suy tư: Trong Hội thi, nhiều bộ chiêng bị sai âm được mang ra biểu diễn, vậy mà nhiều người không nhận ra chiêng sai vẫn cứ say sưa đánh. Cũng có những đội biết chiêng sai nhưng không biết cách sửa cho đúng, thế là những nghệ nhân vẫn tiếp tục dùng chúng.
|
“Qua Hội thi có thể thấy công tác bảo tồn văn hoá rất được coi trọng nhưng cũng phát hiện lỗ hổng rất lớn. Đó là những tay chỉnh chiêng chuyên nghiệp ngày càng ít ỏi, hầu như là không có và rất nhiều bộ chiêng đã bị thay thế bằng những âm lai tạp, âm sai hoặc được chỉnh thành thang âm Tây phương rồi mà bà con không biết” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết thêm.
Trước đây, thang âm cồng chiêng được bảo tồn nhờ những già làng, những người thợ chỉnh chiêng. Họ sử dụng đôi tai thiên phú chỉ cần nghe đã biết các thang âm lên - xuống, cao - thấp, đúng – sai một cách chính xác, kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của người thợ gò mang lại những thang âm thanh khiết. Tuy nhiên, đến nay, lớp người đó ngày càng ít khiến thang âm cổ ngày càng mai một và có khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi nếu như không được bảo tồn đúng cách.
Đau đáu về nguy cơ mai một của cồng chiêng, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum và rất may mắn là phương án đề xuất giải pháp của ông đã nhanh chóng được chấp thuận và thống nhất thành lập Dự án Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân trên 9 huyện, thành phố của tỉnh bằng phương pháp mới mà ông dày công nghiên cứu. Các lớp tập huấn do chính nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và Nghệ sĩ ưu tú Phạm Chí Khánh trực tiếp giảng dạy.
Nếu nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tập trung nghiên cứu chuyên sâu về cổ nhạc thì Nghệ sĩ ưu tú Phạm Chí Khánh cũng đã dành hơn nửa đời người để nghiên cứu, chế tác nhạc cụ dân tộc. Dưới sự kết hợp ấy, nhiều nghệ nhân tham gia tập huấn đã nâng cao tay nghề của mình, nắm bắt và thực hành được kỹ thuật gò - căn chỉnh cao độ cồng chiêng cũng như phương pháp nhận diện các loại thang âm khác nhau.
|
Khóa học đã chia làm 2 phần là gò chỉnh nhạc cụ và nhận diện từng loại thang âm cổ của cồng chiêng. Với kinh nghiệm của mình, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Chí Khánh giúp các nghệ nhân nhận diện các loại cồng chiêng. Với nhiều năm kinh nghiệm chỉnh âm cồng chiêng ở xưởng sản xuất và buôn bán nhạc cụ của mình, khác với các thợ chỉnh chiêng thông thường, ông Khánh đã “mổ xẻ” cấu tạo từng loại cồng chiêng và lý giải tác dụng từng phần trong thao tác gò - điều chỉnh cao độ hay triệt tiêu những tạp âm. Từ đó, làm cho tiếng chiêng trở về đúng với sự thanh khiết nguyên bản của nó.
Đối với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, ông đưa ra bảng chỉ số thang âm. Trên cơ sở bảng chỉ số đó, áp dụng các kết quả nghiên cứu trước đây để kiểm tra thang âm của từng bộ cồng chiêng. Bên cạnh đó, dùng đàn guitar (loại nhạc cụ thông dụng mà hầu như làng nào cũng có) làm thước để mọi người so sánh với cồng chiêng. Thang âm cổ khác so với thang âm đồ rê mi trên guitar, nếu chạm vào phím này thì là nốt của nhạc Tây, còn về thang âm cổ của cồng chiêng Ba Na hoặc Gia Rai thì điều chỉnh lên xuống cho đúng.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: Chúng tôi hướng dẫn cho nghệ nhân những thủ thuật, phương pháp khoa học để mọi người biết khi sai âm chỉnh vào đâu thì cao lên, chỗ nào thì thấp xuống, từ đó làm cho việc chỉnh chiêng trở nên đơn giản.
Sự thành công của lớp học đã vượt mong đợi khi trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều thợ chỉnh chiêng, nhưng ít ai biết được, trong thời gian ấy, các giảng viên đã gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với các học viên đều là người đồng bào DTTS. Họ phải sử dụng tiếng phổ thông sao cho ngắn gọn, đơn giản nhưng phải dễ hiểu nhất có thể. Bên cạnh đó, nhiều học viên không dám mang chiêng đến lớp chỉ vì sợ các thầy làm hư chiêng của họ.
Nhưng qua từng buổi học, thấy được sự hiệu quả và nhận ra bộ chiêng ở làng mình đang bị bệnh, cần phải khám và sửa chữa. Thế là các học viên tự động mang chiêng tới để rồi sau buổi học, mỗi học viên phải thực hành chỉnh âm trên chính bộ cồng chiêng của làng mà họ đem theo dưới sự hướng dẫn của các thầy.
Đặc biệt, những học trò xuất sắc nhất của lớp trước sẽ được mời làm trợ giảng cho lớp sau để vừa được đào tạo nâng cao vừa là thầy dạy cho những người đi sau. Nghệ nhân A Thu (dân tộc Xơ Đăng, ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) là một trong số đó.
Khi chúng tôi đến thăm, nghệ nhân A Thu đang tỉ mỉ sử dụng búa sắt, búa gỗ để gò chỉnh chiếc chiêng. Ông chia sẻ, chiêng để lâu không ai đánh cũng phải gò lại cho chuẩn âm. Những chiếc chiêng mới sẽ mất cả ngày để chỉnh đúng thang âm cổ, các chiêng cũ thì tùy mức độ sai âm, thường thì cũng phải mất hàng giờ đồng hồ để chỉnh. Mỗi lần chỉnh chiêng, chúng tôi đều bỏ tâm huyết và tập trung cao độ bởi nếu chỉnh không tốt, chiêng có thể bị nứt, tệ hơn nữa là âm bị lạc nặng hơn trước.
Ông tâm sự: Năm ngoái, khi được tham gia lớp học, tôi cảm thấy lớp học rất sôi nổi, nghệ nhân từ các làng tham gia đông, các học viên ai cũng rất phấn khởi khi hiểu thêm nguyên lý chế tác cồng chiêng. Trước đây, tôi chỉnh chiêng dựa trên kinh nghiệm là chính nhưng không biết được có chính xác không. Nhưng với cách dạy mới mẻ, dễ áp dụng hơn, đó là đo thang âm bằng thước, bằng con số và học xong lý thuyết là được thực hành ngay trên chính bộ chiêng của làng mình. Mình ghi chép lại đầy đủ thông số này, để có thể về truyền dạy lại cho bà con một cách dễ hiểu hơn.
“Năm nay với vai trò là trợ giảng tôi đã phần nào thấy được sự cần thiết của lớp học, mỗi học viên sau này sẽ là một người thầy gìn giữ bản sắc văn hoá cồng chiêng và truyền lại cho thế hệ trẻ. Vậy nên tôi càng cố gắng nắm chắc phương pháp của thầy và học nâng cao hơn” - nghệ nhân A Thu chia sẻ thêm
Với sự nỗ lực của ngành chức năng, của các cá nhân tâm huyêt và các nghệ nhân, thang âm cồng chiêng của đồng bào các DTTS sẽ được bảo tồn bền vững, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vô cùng độc đáo và phong phú.
Thanh Tú