Động lực mới cho du lịch cộng đồng
Với mục tiêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào DTTS huyện Kon Plông, Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 10/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tạo động lực cho du lịch cộng đồng Kon Plông nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Có thể nói, những năm gần đây, du lịch cộng đồng có bước phát triển khá ấn tượng, không chỉ nhằm đáp ứng xu hướng mới trong du lịch hiện nay, mà còn đem lại nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân và cộng đồng các DTTS tại chỗ.
Đã hình thành một số làng du lịch cộng động tại các địa phương, được UBND tỉnh công nhận, như các làng Kon K’Tu, Kon Klor, Kon Jơ Dri (thành phố Kon Tum); Kon Pring, Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông); Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà).
|
Các làng du lịch cộng đồng hoạt động trên nguyên tắc “cộng đồng”, tức là dựa vào cộng đồng, do cộng đồng làm chủ, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân. Cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng, ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch đẹp của bà con cũng được nâng lên, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Để có được điều này, ngoài cảnh quan thiên nhiên, một điều không thể phủ nhận là sức hấp dẫn đến từ các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của cộng đồng các DTTS.
|
Là một địa phương được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan tuyệt đẹp; cộng đồng các DTTS tại chỗ giàu bản sắc văn hóa, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể, nên điều dễ hiểu là cấp ủy, chính quyền huyện Kon Plông luôn mong muốn khai thác tốt tiềm năng du lịch cộng đồng.
Theo ông Đặng Quang Hà- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cộng đồng các DTTS trên địa bàn có một kho tàng văn hóa đa sắc màu, được bảo tồn và lưu truyền từ đời này sang đời khác, thông qua nhiều loại hình, từ luật tục, kiến trúc, lễ hội, đến nhạc cụ, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống.
Địa phương xác định, giá trị văn hóa giàu bản sắc là “chìa khóa” để phát triển du lịch cộng đồng, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo- ông Đặng Quang Hà chia sẻ.
|
|
|
Từng có cơ hội trải nghiệm tại nhiều điểm du lịch, nhưng khi nhắc đến Măng Đen, nhắc đến Kon Plông, chị Lê Thị Thanh Huyền (du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa) luôn nhắc đến ấn tượng về làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.
Cảnh sắc thiên nhiên đã rất tuyệt rồi, nhưng tuyệt vời hơn là bản sắc văn hóa của đồng bào Xơ Đăng ở làng. Đêm cồng chiêng-xoang, những món ăn, trang phục thổ cẩm được làm ra từ bàn tay của dân làng đều rất hấp dẫn, thu hút du khách.
Tuy nhiên, ở góc độ rộng hơn, việc phát triển du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Hạ tầng cơ sở, dịch vụ du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ, hiện đại; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy. Người dân và người quản lý thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cũng như năng lực quản trị và vận hành. Du lịch cộng đồng đã mang lại thu nhập cho người dân địa phương, nhưng xét cho cùng vẫn còn khiêm tốn.
Vì vậy, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào DTTS, ngày 10/2/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông.
Với định hướng và những bước đi hết sức cụ thể, Chỉ thị được kỳ vọng tạo động lực và bước đột phá đối với du lịch cộng đồng ở Kon Plông.
Không chỉ vậy mà còn “dẫn lối chỉ đường” để các địa phương trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, áp dụng. Từ đó khai thác tiềm năng về loại hình du lịch này, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống người dân.
|
|
Theo Chỉ thị 27, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn huyện Kon Plông có 8-10 thôn (làng) du lịch cộng đồng.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 2 thôn (gồm Kon Pring, thị trấn Măng Đen và Kon Chênh, xã Măng Cành); Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông chọn 8 thôn ở các xã, thị trấn. Khuyến khích các xã, thị trấn Măng Đen chủ động rà soát, chọn một số thôn đồng bào DTTS của địa phương mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Huyện ủy Kon Plông thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng cấp huyện; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển mạnh các thôn (làng) du lịch cộng đồng.
|
Về cơ chế, chính sách, bên cạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng đồng thôn (làng) đồng bào DTTS tham gia vào công tác phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống.
Chỉ thị 27 khuyến khích các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch hoặc đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương mình; lựa chọn những thôn (làng) đồng bào DTTS của địa phương mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chỉ thị 27 là một quá trình không dễ dàng. Nhưng khi triển khai hiệu quả, tin rằng sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững.
Hồng Lam