Điệu ta lêu trên đỉnh đèo Vi Ô Lắc
Ta lêu là tất cả những gì trong sâu thẳm tâm hồn người Hrê, giống như lời ru của mẹ, như tiếng thở của rừng, róc rách con suối vắng, tiếng chó sủa xa xa; mềm như bông lúa nghiêng mình ven bờ ruộng, trắng như đọt chuối non, mạnh mẽ như cơn lũ đầu mùa, như tiếng hô vang vọng của các dũng sĩ du kích Ba Tơ.
Đèo Vi Ô Lắc sau cơn mưa.
Những đám mây cuộn lại thành những hình thù kỳ lạ, dưới vực thẳm từ từ nhô lên, sừng sững. Đứng sát mép vực, thò tay có thể chạm được những cuộn mây ấy. Ánh nắng lên dần làm cho đỉnh mây trắng lấp lánh như chiếc vương miện. Nắng. Mây dần tan đi, trả lại không gian rộng rãi, khoáng đạt vô cùng. Dưới xa kia, nơi thung lũng sâu thẳm thấy một vệt dài, quanh co. Đó là sông Rê, mơ hồ, sợi nhỏ. Thấp thoáng bản làng của người Hrê - những bông hoa đính vào sợi chỉ ấy, uốn lượn, mềm mại trong màu xanh của cỏ cây, nương lúa.
|
Đèo Vi Ô Lắc là con đèo hùng vĩ của Tây Nguyên. Nơi đó là điểm chia tay trong tâm tưởng của lữ khách ngược xuôi Quảng Ngãi - Kon Tum và chiều ngược lại. Đồng thời là điểm phân chia hai vùng khí hậu đặc trưng của hai miền Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Đi từ hướng Kon Tum về Quảng Ngãi, ta đang đi trên cao nguyên Kon Plông với bồng bềnh nhấp nhô mây và núi. Hình như địa hình muốn ta đi nhanh hơn để về đồng bằng, hít thở không khí của biển cả khi đã no tràn không khí cao nguyên. Những con dốc sâu hun hút tưởng chừng như rơi xuống vực thẳm nhưng đột ngột cua vào một vách núi như một vòng tay ôm rất chặt, rồi lại đột ngột thả ta vào một thung lũng khác, nối tiếp, nối tiếp khoảnh khắc vừa hồi hộp, vừa thích thú. Cảnh đẹp vô chừng, gió mát qua vành tai, bồng bềnh mây núi..!
Trên đỉnh của đèo Vi Ô Lắc không biết từ bao giờ, cộng đồng người dân tộc Hrê cư trú? Cộng đồng ấy không nhiều, chỉ rải rác vài ngôi làng nhỏ! Mỗi bản làng như những tổ chim bám chặt vào đất, đá, muôn trùng cỏ cây của đại ngàn sâu thẳm, cao vời vợi. Có thể trong lịch sử xa xưa của nhóm Hrê trên đỉnh Vi Ô Lắc này, trong hành trình đi tìm cái đẹp thỏa mãn niềm du ca của thuộc tính dân tộc mình, họ đã nép mình trên đỉnh đèo, nơi có khoảng không gian bao la, thỏa mãn tâm hồn lãng mạn, bay bổng chất nghệ sĩ. Họ đã lên đến đây rồi thì chuyện đi sâu vào nữa, vào vùng đất của người Mơ Nâm chỉ là chuyện giản đơn như bước chân của họ.
Cái gì đã níu chân họ trên đỉnh đèo cheo leo này?
Vì họ đã trót yêu ngọn núi Vang Y Phu và suối nước Nong! Say núi Vang Hạ Rô, suối Pờ Ê và lỡ tắm trong ngọn thác Tru, thác Rỗi, thác Ly mất rồi! Họ dừng chân trên đỉnh đèo này vừa đủ tầm khám phá cái mới nhưng cũng đủ tầm vọng về nơi vùng đất Hrê dưới đôi bờ sông Rê, tận sâu Quảng Ngãi, gốc gác quê hương của cộng đồng người Hrê.
Dân tộc Hrê trên đỉnh đèo Vi Ô Lắc đã góp một tiếng nói cho bản sắc DTTS trên cao nguyên Kon Plông. Thỉnh thoảng đâu đó bay ra tiếng đàn brook trong lưng chừng đồi, ta có thể biết được gần đó có một cái chòi giữ rẫy và một chàng trai đang chơi đàn mê mải ngắm thung lũng và mây trời. Đi xa hơn vào các làng tận sâu trong núi, có khi may mắn ta được nghe tiếng ching kla trầm, rộn rã, bùi ngùi. Khi ching kla cất lên bầu trời sẽ rất đẹp, sáng trong (vì người Hrê không đánh lúc trời mưa giông vì sợ ông trời làm ra nhiều sấm sét); may mắn hơn nếu ta gặp một đám hỏi có thể nghe tiếng đàn rơ oang mê mải đậm chất tự sự để dặn dò con cháu về sự thủy chung và nghĩa vợ chồng. Nhưng trong thẳm sâu, tôi đã say đắm những làn điệu dân ca mênh mông bay bảng lảng khắp làng, bay xuống chân đồng ruộng, rẫy mì, rẫy bắp. Bay trên đỉnh đèo Vi Ô Lắc và bay lên mênh mông bầu trời: Đó là làn điệu ta lêu.
|
Ta lêu là tất cả những gì trong sâu thẳm tâm hồn người Hrê, giống như lời ru của mẹ, như tiếng thở của rừng, róc rách con suối vắng, tiếng chó sủa xa xa; mềm như bông lúa nghiêng mình ven bờ ruộng, trắng như đọt chuối non, mạnh mẽ như cơn lũ đầu mùa, như tiếng hô vang vọng của các dũng sĩ du kích Ba Tơ.
Trong một căn nhà sàn nhỏ, sạch sẽ, đầy ắp khói bếp và mùi rượu cần, mùi thịt nướng và mùi của những loại rau củ của rừng già. Tiếng râm ran và men say đang râm ran khắp căn nhà. Không hiểu sao, chợt tĩnh lặng lại, không ai bảo ai. Đột nhiên bếp lửa bừng sáng, khói bếp tan đi, xuất hiện một cô gái ngồi đó từ bao giờ? Tôi nhận ra cô gái ấy với đôi mắt to, đen thăm thẳm, chiếc mũi thẳng như một thanh nứa vót tên, khuôn miệng rộng. Toàn thân toát lên một không gian hoang dã núi rừng. Đôi mắt vô định trong bao la sương khói. Cô gái cất tiếng hát. Đúng rồi, điệu ta lêu mà tôi trót say!
(Lều lều lêu lêu ố lêu), anh ơi lúa chín đỏ (Ố ố êu) báo tin được mùa (ều)
Ruộng gần chân núi (ố ố êu) đồng lúa bát ngát (ố êu)
Anh ơi lúa chín ngọt (ố ố êu, lếu lêu, lều êu)
Ngôi nhà sàn im phăng phắc để lắng nghe. Bếp lửa không còn nổ lép bép nữa mà ngọn lửa nhỏ chỉ uốn lượn, mềm mại như bông lau trong gió. Ai uống bên ché rượu cần thì cầm cần không buồn uống; ai đang tâm tình thì khẽ nắm tay nhau; ai đang lắng nghe thì cứ mê đắm. Trong âm thanh mênh mông đập chất núi rừng ấy; trong ca từ giản đơn và mộc mạc, đẹp đẽ ấy và trong thẳm sâu đôi mắt của những người trong ngôi nhà sàn tôi thấy hiện lên đồng lúa bậc thang nhỏ, thấp ven đồi đang lên xanh, với bờ lúa cong cong uốn nép vào lưng đồi như cánh nỏ. Tiếng con chim gì đó đang hót báo tin vui được mùa vút lên trời xanh. Tiếng gọi của các cô gái, các mẹ, các bà vợ đang thúc giục người anh, người con, người chồng của mình nhanh tay gặt đem lúa về kho. Nhưng trong ngày mùa như thế này, người đàn ông Hrê lại điềm nhiên hút thuốc, chậm chạp một cách lề mề. Họ đang còn men say hôm qua đi gặt lúa cho nhà hàng xóm được mời ché rượu ngon; họ đang say ngày mùa và thật ra họ đang ngắm quê hương bằng một niềm trìu mến vụng dại. Các mẹ các chị cũng không vội trách họ, những người đàn ông ấy. Một tí nữa thôi trong tiếng càu nhàu của người phụ nữ họ yêu, họ lại hăng say trong niềm hứng khởi mới, nhanh chóng gặt hái trên cánh đồng.
Bài hát vẫn bay trong ngôi nhà sàn:
(Lều lều lêu lêu ố lêu), cắt lúa dưới chân ruộng (Ố ố êu) dưới chân ruộng gần (ều)
Ruộng gần chân núi (ố ố êu) đồng lúa ngát hương (ô ều)
Nhanh tay cắt về (ố ố êu lếu lêu lều lều ều)
Vẫn giọng ca đẹp ấy và có phần mềm mại, uể oải cuối câu hát. Ngay lúc này đây mái ngói đã đỏ thắm trên nền xanh của rừng, như cánh của hoa rieng van. Trong lời ca có tiếng lách cách khung cửi dệt vải của bà mẹ tóc bạc phơ ngồi dệt bên khung cửa nhỏ bên trái đầu hồi; thấy dáng của cụ già trầm tư ngồi hút tẩu thuốc, thỉnh thoảng lại cầm con dao cheng két vót sợi mây; thấy các em nhỏ đang chạy băng trên bờ ruộng đi bắt châu chấu, hoặc đang xúc cá trên dòng suối nhỏ. Lời ca dẫn mọi người đi xa hơn nữa, về những bước chân phong trần khai phá, về nơi cha ông họ thời đánh giặc bảo vệ quê hương.
Tiếng hát kết thúc. Không có tiếng vỗ tay như chúng ta thường thấy mà chỉ có tiếng lao xao, rì rào như tiếng bếp lửa đang cháy một thân cây ksa khô đượm. Ngọn lửa lại bùng lên một lần nữa. Cô khẽ mỉm cười, đứng dậy. Mái tóc xổ dày trên đôi vai. Bằng động tác ung dung, uể oải như một con gà mái đẹp, cô bước qua đám đông đang xôn xao, rồi mất hút bên ngoài nhà sàn đang phủ đầy ánh trắng và sương đêm.
Tôi vẫn ngồi lặng yên như đã ngồi từ thưở xa xưa nào đó. Tiếng hát vẫn đang bay bổng như vô tận; giọt mưa từ quá khứ đang tí tách tuôn rơi không ngừng và rồi không gian chợt bừng sáng. Một Vi Ô Lắc hiện ra, một dân tộc Hrê hiện ra sống động trên cao nguyên Kon Plông lộng gió ngàn.
Vi Ô Lắc, mùa Xuân về!
Đinh Su Giang