Đăk Glei chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa thể thao
Sau 4 năm thực hiện Chương trình số 22-CTr/HU ngày 9/11/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei về thực hiện các chỉ tiêu lĩnh vực văn hoá-thể thao (VHTT) theo Nghị quyết 06-NQ/ĐH ngày 10/8/2020 Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn từ cấp huyện đến cấp cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt VHTT của cán bộ và nhân dân.
|
Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đóng góp ngày công, kinh phí của nhân dân và thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn, UBND huyện đã đầu tư xây dựng 66 nhà rông, 40 hội trường, 74 sân bóng chuyền, 49 sân bóng đá tại các thôn (làng), cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hoá, tập luyện TDTT của nhân dân.
Đáng chú ý, nhằm phát huy vị trí, vai trò của nhà rông là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa-xã hội ở thôn, làng vùng DTTS, những năm qua, các cấp, ngành của huyện Đăk Glei tích cực huy động các nguồn lực, ưu tiền nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ người dân vùng DTTS các xã, thị trấn, thôn (làng) xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, góp phần khôi phục, gìn giữ nhà rông truyền thống của dân tộc. Đến nay, huyện có 66/93 nhà rông văn hóa, đạt 70,9% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Đến nay, cấp huyện có 1 sân thể thao, phục vụ tổ chức các sự kiện chính trị, VHTT và các lễ hội của huyện. Ngoài ra, huyện có 1 nhà thi đấu đa năng, 4 sân cầu lông, 1 sân bóng chuyền, 3 sân bóng đá mini.
Ở cấp xã, 9/12 xã có thiết chế VHTT, cơ bản đạt tiêu chí do Bộ VHTT&DL quy định, đạt tỷ lệ 75%. Có 11 hội trường, trong đó, có 4 hội trường dùng chung trụ sở của UBND xã, thị trấn; 2 xã có nhà rông trung tâm, 5 xã có nhà văn hóa trung tâm xã, 2 xã có trung tâm học tập cộng đồng;10/12 xã có sân bóng chuyền tại trung tâm xã; 11/12 xã có sân bóng đá trung tâm xã.
|
Đến cuối năm 2024, hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 85% (tăng 4%); xã có nhà văn hóa chiếm tỷ lệ 41,6% (tăng 3%); có 92 nhà rông hoặc hội trường thôn, chiếm tỷ lệ 98,9% (tăng 10%); có 82/93 thôn (làng) đạt danh hiệu Khu dân cư văn hoá, trong đó 18 thôn, làng đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa 5 năm liên tục, chiếm tỷ lệ 88,3% (tăng 5,6%). Có 11.770/13.634 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trong đó, có 3.876 hộ gia đình đạt danh hiệu 2 năm liên tục, 4.663 hộ gia đình đạt danh hiệu 3 năm liền tục, 3.231 hộ gia đình đạt danh hiệu 5 năm liên tục và có 508 hộ gia đình được biểu dương khen thưởng, chiếm tỷ lệ 86,3% tổng số hộ (tăng 16,3%). Sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại di động phủ sóng 100% thôn (làng) và 100% số người dân được thụ hưởng các dịch vụ trên (đạt 100% thiết chế về thông tin), tăng 15% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Để hoàn thiện thiết chế VHTT nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, nhất là ở các xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thời gian tới, huyện Đăk Glei quan tâm quy hoạch quỹ đất, bố trí kinh phí và huy động nguồn xã hội hoá, vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu để đầu tư xây dựng khu thể thao-văn hóa xã; ban hành quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức văn hoá các xã, thị trấn.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS giai đoạn 2021-2025”; thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch số 2865/KH-UBND ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh về “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2030”; thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, đánh giá toàn diện về giá trị, thực trạng của di sản văn hóa phi vật thể, đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.
Quang Định