Chuyện về Đại hồng chung ở Chùa Tổ đình Bác Ái
Trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu tư liệu về di tích lịch sử văn hóa Chùa Tổ đình Bác Ái, chúng tôi được biết Chùa Tổ đình Bác Ái được triều đình nhà Nguyễn sắc tứ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hóa nhưng đã bị thất lạc, hư hỏng qua năm tháng, trong đó có chiếc Đại hồng chung (Chuông lớn).
Chùa Tổ đình Bác Ái tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Chùa được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 (tức năm 1933) nằm trên một khu đất cao, mặt chùa quay về hướng Nam, theo lối kiến trúc Huế, hình chữ Môn, gồm có Chánh điện, Đông Lang, Tây Lang và Cổng tam quan. Đây là công trình kiến trúc phật giáo đầu tiên ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Quản đạo Võ Chuẩn là người có công lớn trong việc thành lập chùa và tâu thỉnh nhà Vua sắc tứ nhiều hiện vật có giá trị cho Kon Tum.
Tài liệu Nguyệt san Viên Âm của Hội Phật học Trung kỳ năm thứ 1, số 4 ngày 1/5/1934 ghi rằng: “Qua tháng 11 năm 1933, nhân dịp Quản đạo về cung đình Huế có tâu qua việc chùa, Đức Hoàng đế có phán ban cho một Đại hồng chung, Đức Khôn Nguyên Xương Thái Hoàng Thái hậu sắc tứ 01 pho tượng Quan Âm bằng đồng, Đức Khôn Nghi Xương Đức Thái Hoàng Thái hậu sắc tứ một bức ngự dung có Châu phê, Bửu ấn, 01 bức Bửu tán bằng gấm; Đức Đoan Huy Hoàng Thái hậu sắc ban 02 cặp Phan bằng gấm”.
|
Đại hồng chung được đúc vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 7 (tức năm 1826), nặng 106 cân, bằng đồng, đường kính miệng ngang 45cm, cao 74cm, xung quanh thân gần vành miệng chuông có 4 núm tròn, tượng trưng cho 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Đỉnh chuông hình lưỡng long, 2 đầu quay ra 2 bên, có 4 chân, cao 20cm, ngang 30cm. Thân chuông trơn, không có hoa văn, đắp nổi những đường gân ở 2 bên và xung quanh, ở giữa khắc minh văn bằng chữ Hán.
Ngày 16/11/1933, Đại hồng chung được đưa tới Kon Tum. Lễ đón Đại hồng chung và Bửu Tán vào Chùa được tổ chức ngày 17/11/1933. Dự buổi lễ có tăng chúng, hương chức ở 2 làng Trung Lương, Lương Khế và các bổn đạo. Khi rước Đại hồng chung có âm nhạc, long đỉnh, bửu tán trang trí một cách nghiêm trang. Chùa còn tổ chức đốt pháo liên thanh và trống bác nhã. Ngoài cổng Tam quan còn có thiết hương án và trước chánh điện có đặt một cái án riêng, có trầm hương, có hoa quả để thỉnh Đại hồng chung vào Chùa.
Tối 19/11/1933, Chùa làm lễ khai chuông. Bổn đạo về dự lễ rất đông. Trong buổi lễ này, Quản đạo Võ Chuẩn đọc bài Kệ Đại hồng chung. Buổi lễ kết thúc, Đại hồng chung được treo trên Cổ lầu của Cổng tam quan, ngày đêm tiếng chuông vang vọng, ngân nga.
|
Đến Tết Mậu Thân 1968, Kon Tum diễn ra cuộc giao tranh ác liệt, pháo kích bắn sập Cổng tam quan, đạn pháo đâm thủng 2 lỗ trên thân Đại hồng chung, không thể sử dụng được. Sau đó, ngài Thích An Chánh - Trụ trì chùa Bác Ái đã mời thợ từ Huế lên đúc lại 1 chiếc chuông mới, với đường kính miệng là 59cm, dài 97cm, đai chuông gắn hình lưỡng lân hóa rồng, thay thế Đại hồng chung đã bị hư.
Năm 1970, Chùa Phật Quang được xây dựng tại thôn Phương Quý. Vì điều kiện còn khó khăn, ngài Thích An Chánh đã lấy Đại hồng chung cũ, đem sửa lại dùng tạm. Năm 1991, thầy Thích Chánh Quang đã tặng quả chuông này vào Linh Quang Tịnh Xá ở Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ đó Đại hồng chung của Chùa Bác Ái không còn lưu giữ ở Kon Tum nữa.
Qua chỉ dẫn của Hoà thượng Thích Chánh Quang - Trụ trì Chùa Tổ đình Bác Ái, năm 2009 chúng tôi có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, ghé qua Linh Quang Tịnh Xá, nằm trên đường Nguyễn Khoái, Phường 2, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây Đại hồng chung được Thượng tọa Thích Từ Giang cất giữ rất cẩn thận, đặt trong phòng trưng bày cổ vật của Tịnh Xá.
Năm 2021, Đại đức Thích Đồng Tri được bổ nhiệm Trụ trì chùa Tổ đình Bác Ái, Thầy luôn có tâm nguyện muốn đưa trở về chùa lại chiếc Đại hồng chung xưa kia. Cuối cùng sau thời gian dài trao đổi với Thượng toạ Thích Minh Huệ, hiện là trụ trì Linh Quang Tịnh Xá, thầy đã hoan hỷ trao tặng Đại hồng chung về lại Tổ đình Bác Ái. Ngày 26/6/2023, Đại đức Thích Đồng Tri đã thay Hòa thượng Thích Chánh Quang cung thỉnh Đại hồng chung từ Linh Quang Tịnh xá ở Thành phố Hồ Chí Minh về lại Kon Tum.
Trước khi chia tay với chúng tôi, Đại đức Thích Đồng Tri chia sẻ: “Đây là cổ vật gần 200 năm tuổi, có giá trị rất đặc biệt về mặt lịch sử văn hóa không chỉ của tỉnh Kon Tum mà cả Tây Nguyên, rất cần các ngành chức năng sớm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để lập hồ sơ công nhận Đại hồng chung là bảo vật quốc gia trong thời gian tới”.
Phạm Bình Vương