Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch
Thời gian qua, UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông tiếp tục định hướng bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, vừa tạo việc làm cho người dân, vừa góp phần quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh con người xã Đăk Tăng đến với du khách trong nước và quốc tế.
|
Xã Đăk Tăng có 6 thôn với 508 hộ, 1.648 nhân khẩu, trong đó, người DTTS chiếm 96,94%. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, UBND xã Đăk Tăng tiếp tục có định hướng bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ đó, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm giúp người dân tăng thu nhập, vừa quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống địa phương đến du khách.
Để thực hiện hiệu quả định hướng nói trên, những năm qua, xã Đăk Tăng luôn quan tâm, chú trọng việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Theo đó, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, nhất là nghề dệt thổ cẩm; tổ chức các lớp học, đào tạo nghề dệt thổ cẩm Xơ Đăng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; chỉ đạo cán bộ, công chức thường xuyên tuyên truyền bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống trên địa bàn xã gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện trên địa bàn xã Đăk Tăng có 15 người biết và duy trì dệt thổ cẩm truyền thống. Xã có 16 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, trong đó, có 3 hộ đang hoạt động kinh doanh homestay, các hộ còn lại đang xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa.
Bà Y Kim (thôn Rô Xia) là 1 trong 15 người biết và duy trì dệt thổ cẩm truyền thống Xơ Đăng chia sẻ: Trước đây dệt thổ cẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Những năm gần đây, được sự vận động của chính quyền địa phương, tôi luôn duy trì dệt thổ cẩm và truyền nghề lại cho thế hệ trẻ trong thôn tiếp tục phát huy. Tôi nghĩ việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch là cơ hội để bà con vừa có thu nhập từ nghề, vừa quảng bá được bản sắc văn hóa của mình đến du khách.
|
Ông Nguyễn Văn Bay - Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, nhằm bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, năm 2024 xã đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai khảo sát, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu; thực hiện các mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống, nghề dệt thủ công truyền thống tại Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Ngoài ra, thôn Vi Rơ Ngheo được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ mô hình trưng bày, giới thiệu nghề dệt truyền thống tại nhà rông thôn với 36 hiện vật cổ, quý giá như: Khung dệt, các dụng cụ liên quan nghề dệt, các bộ trang phục tiêu biểu của người Xơ Đăng.
“Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch bền vững không những giúp cải thiện thu nhập cho người dân làm nghề, mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục truyền thống, văn hóa của người Xơ Đăng. Đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, hình ảnh con người xã Đăk Tăng đến với du khách trong nước và quốc tế” - ông Bay cho hay.
Ông Bay cho biết thêm, trong thời gian tới, UBND xã Đăk Tăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo tồn nghề truyền thống, nhất là nghề dệt thổ cẩm; tuyên truyền, vận động các nghệ nhân, người dân biết nghề truyền thống truyền nghề cho thế hệ trẻ; tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thông qua việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống.
Bên cạnh đó, vận động người dân bảo tồn, phát triển nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các chương trình giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm và du lịch trên các phương tiện truyền thông; sưu tầm, trưng bày hiện vật tại nhà rông Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.
TRẦN HƯỚNG